Giá cà phê toàn cầu tăng vọt trong những năm gần đây phần lớn là do đầu cơ tài chính, chứ không chỉ đến từ các yếu tố cung cầu thực tế, đó là tuyên bố từ ông Giuseppe Lavazza, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Lavazza.
Phát biểu bên lề giải Wimbledon tuần qua, ông Lavazza cho biết: “Trong suốt bốn năm qua, khi giá cà phê tăng mạnh, 80% là do đầu cơ, đặc biệt là các quỹ đầu cơ (hedge funds)”.
Theo ông, các quỹ đầu tư lớn đã đẩy giá cà phê lên mức “hoàn toàn không bền vững cho ngành, thậm chí không thể chấp nhận được đối với người tiêu dùng”. Giá cà phê robusta giao dịch tại sàn London đã đạt mức kỷ lục hơn 5.700 USD/tấn vào tháng 1/2025, trước khi giảm xuống khoảng 3.500 USD/tấn trong tuần này. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn cao gấp đôi so với mức trung bình lịch sử khoảng 1.700 USD/tấn.
Ông Lavazza nhấn mạnh: “Thị trường cà phê lớn, nhưng thị trường kỳ hạn lại nhỏ. Chỉ cần một lượng tiền không lớn cũng có thể tạo ra một cơn sóng thần. Sự biến động và bất định mà các quỹ này tạo ra là không thể tưởng tượng được - từ người rang xay, thương nhân đến cả nông dân”.
![]() |
Ông Giuseppe Lavazza - Chủ tịch Tập đoàn cà phê Lavazza |
Sự biến động dữ dội đã khiến tiêu thụ cà phê toàn cầu giảm 3,5% trong hai năm qua. Trong khi các quỹ đầu cơ tự cho rằng họ đóng vai trò cung cấp thanh khoản cho thị trường, nhiều người trong ngành lại cho rằng sự hiện diện của họ đang làm “méo mó” giá cả.
Hệ quả là một số doanh nghiệp đã không thể trụ vững. Tập đoàn Mercon Coffee Group (Hà Lan) — một trong những nhà kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới, đã nộp đơn phá sản vào cuối năm 2023 khi đợt tăng giá vừa khởi phát.
Riêng với Lavazza, khoản chi để mua cà phê của tập đoàn này đã tăng gần ba lần trong vòng 5 năm, từ 600 triệu euro năm 2018 lên 1,6 tỷ euro vào năm ngoái. “Chúng tôi buộc phải tăng vốn lưu động một cách đáng kể”, ông Lavazza chia sẻ.
Vị lãnh đạo người Ý cũng cho rằng, giá cà phê bán lẻ tại châu Âu và Mỹ có thể đã chạm đỉnh, dù thừa nhận có nhiều yếu tố có thể khiến giá quay đầu tăng trở lại, đặc biệt là các chính sách thuế và quy định môi trường sắp có hiệu lực.
Một trong số đó là kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, cũng như nguy cơ áp thuế đối với cà phê từ các quốc gia sản xuất chính như Brazil.
Ông Lavazza nói: “Nếu Mỹ áp thuế lên cà phê từ các nước sản xuất, đó sẽ là thách thức lớn hơn nhiều. Giá sẽ tăng mạnh tại Mỹ”.
Tuy nhiên, theo ông, mối đe dọa lớn hơn là đạo luật chống phá rừng mà Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị ban hành, vốn cấm nhập khẩu cà phê (và sáu mặt hàng khác) nếu được sản xuất từ vùng đất đã bị phá rừng. Quy định này dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay, và đã vấp phải sự phản đối từ 18 quốc gia thành viên EU, trong đó có Ý, cùng nhiều doanh nghiệp thực phẩm lớn như Mondelez (chủ sở hữu thương hiệu Cadbury).
“Quy định này sẽ đặt ra giới hạn rất nghiêm ngặt, khiến các nhà rang xay châu Âu rất khó nhập được cà phê chất lượng. Các nhà lập pháp đẩy mạnh luật này hoàn toàn không hiểu ngành của chúng tôi vận hành ra sao”, ông Lavazza cảnh báo.
![]() |
![]() |
![]() |