Lợi nhuận quý II/2025 của Samsung Electronics đã giảm 56% so với cùng kỳ, đánh dấu quý sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2023. Kết quả gây thất vọng này được công bố trong bối cảnh hãng công nghệ lớn nhất Hàn Quốc đang đánh mất vị thế trong thị trường chip nhớ hiệu suất cao dành cho trí tuệ nhân tạo (AI), vốn được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng trong thời kỳ hậu ChatGPT.
![]() |
Samsung mất một nửa lợi nhuận quý II/2025 vì khủng hoảng chip AI |
Cụ thể, lợi nhuận hoạt động sơ bộ trong quý II/2025 chỉ đạt 4,6 nghìn tỷ won (tương đương 3,3 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của giới phân tích. Doanh thu giữ nguyên ở mức 74 nghìn tỷ won (54,05 tỷ USD). Cổ phiếu Samsung biến động nhẹ sau khi công ty công bố chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 3,9 nghìn tỷ won (2,85 tỷ USD).
Samsung cho biết, lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do khoản đánh giá lại tồn kho liên quan đến chip AI xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ. Ngoài ra, công suất hoạt động tại mảng xưởng đúc chip (foundry) cũng giảm, kéo theo khoản lỗ tiếp diễn ở bộ phận này.
Trong bối cảnh cơn sốt đầu tư hạ tầng AI tăng tốc trên toàn cầu, Samsung – vốn từng là ông lớn dẫn đầu trong mảng bán dẫn – đang bị đối thủ SK Hynix qua mặt. Công ty này cùng với Micron hiện đang nắm phần lớn thị phần trong phân khúc chip nhớ băng thông cao (HBM), dòng sản phẩm được thiết kế riêng để kết hợp với các bộ xử lý AI của Nvidia.
Theo ước tính của nhóm phân tích tại Bernstein, SK Hynix hiện chiếm khoảng 57% thị phần chip HBM toàn cầu trong năm 2025, trong khi Samsung chỉ giữ 27% và Micron là 16%.
Đặc biệt, việc Samsung chưa thể nhận được chứng nhận từ Nvidia cho dòng chip 12 lớp HBM3E đã khiến hãng bị tụt lại phía sau, trong khi SK Hynix và Micron đã lần lượt gửi mẫu HBM4 (thế hệ tiếp theo) đến khách hàng từ giữa năm nay.
Mặc dù báo cáo tài chính quý II/2025 gây thất vọng, một số nhà phân tích cho rằng đây có thể đã là đáy của chu kỳ suy giảm lợi nhuận.
Ông Sanjeev Rana - trưởng bộ phận nghiên cứu tại CLSA Korea - nhận định: “Đây có thể là giai đoạn chạm đáy. Nếu nhìn xa hơn quý II, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi theo quý trong nửa cuối năm”.
Theo đó, Samsung hiện đang nỗ lực giành lại thị phần bằng cách tăng tốc đánh giá và sản xuất các sản phẩm HBM mới. Hãng cho biết việc thử nghiệm và giao hàng dòng chip HBM3E đang được tiến hành, đồng thời kỳ vọng bắt đầu sản xuất hàng loạt dòng HBM4 trong nửa cuối năm nay.
Ngoài ra, Samsung cũng đã giành được hợp đồng cung cấp HBM3E cho Advanced Micro Devices (AMD), bên cạnh Micron. Tuy nhiên, việc không thể trở thành đối tác ưu tiên của Nvidia – công ty dẫn đầu trong lĩnh vực hạ tầng AI – đã khiến Samsung mất đi lợi thế cạnh tranh quan trọng.
Ngoài yếu tố cạnh tranh kỹ thuật, Samsung còn chịu sức ép không nhỏ từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Các hạn chế về xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc đã khiến nhu cầu từ thị trường này giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu tại mảng foundry, vốn phụ thuộc phần nào vào khách hàng Trung Quốc.
Samsung cho biết khoản chi phí tồn kho AI chip là một điều chỉnh một lần, thể hiện nỗ lực “xóa sổ” hàng tồn và tái khởi động chu kỳ kinh doanh mới cho nửa cuối năm. Công ty cũng dự báo rằng khoản lỗ từ mảng đúc chip sẽ giảm dần trong các quý tới nhờ phục hồi nhu cầu toàn cầu.
![]() |
![]() |
![]() |