![]() |
Tỷ phú Mark Cuban - nhà đầu tư nổi tiếng của chương trình "Shark Tank" và cựu chủ sở hữu đội bóng Dallas Mavericks |
Với tỷ phú Mark Cuban - nhà đầu tư nổi tiếng của chương trình "Shark Tank" và cựu chủ sở hữu đội bóng Dallas Mavericks, khái niệm "cân bằng công việc – cuộc sống" là điều không thể tồn tại nếu bạn thực sự tham vọng.
"Nếu bạn muốn làm việc 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, bạn có thể có cân bằng. Nhưng nếu bạn muốn chinh phục cuộc chơi, luôn có người khác sẵn sàng làm việc 24 giờ mỗi ngày để vượt mặt bạn", ông chia sẻ.
Quan điểm này phần nào phản ánh triết lý làm việc kiểu Mỹ điển hình: Thành công là kết quả của sự đánh đổi không khoan nhượng. Nhưng với những nhà lãnh đạo khác, đặc biệt là Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, cách tiếp cận lại có phần mềm mại hơn.
![]() |
Tỷ phú Jeff Bezos cho rằng nên nhìn nhận mối quan hệ giữa công việc và cuộc sống như một vòng tròn liền mạch |
Năm 2018, tại một sự kiện do chủ sở hữu của tờ Business Insider tổ chức, tỷ phú Jeff Bezos cho rằng, nên nhìn nhận mối quan hệ giữa công việc và cuộc sống như một vòng tròn liền mạch, thay vì là hai thái cực của một chiếc cân.
"Khi tôi hạnh phúc ở nhà, tôi làm việc hiệu quả hơn. Khi tôi thành công trong công việc, tôi mang về nguồn năng lượng tích cực cho gia đình", ông Bezos gọi đó là “work-life harmony” (hài hòa giữa công việc – cuộc sống), là một sự hòa hợp, không phải đối lập.
Cách tiếp cận của nhà sáng lập Amazon cũng được chia sẻ bởi ông Satya Nadella - CEO của Microsoft. Trong một bài phỏng vấn năm 2019 với tờ Australian Financial Review, ông nói rằng, bản thân từng nghĩ phải cân bằng giữa thư giãn và làm việc. Nhưng giờ đây, ông tập trung vào việc kết nối những "niềm đam mê sâu sắc" của mình với công việc, để biến lao động trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống.
![]() |
Tỷ phú Elon Musk - CEO của Tesla từng tiết lộ ông làm việc tới 120 giờ mỗi tuần, tức khoảng 17 giờ mỗi ngày |
Trái ngược với ông Bezos hay ông Nadella, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk là hiện thân của triết lý làm việc cực đoan. Từ những ngày đầu lập nghiệp vào năm 1995, ông Musk đã ngủ lại văn phòng và tắm tại YMCA (một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ thanh niên, thường có phòng tắm, phòng tập thể dục, hồ bơi công cộng và chi phí rẻ). Đến nay, ông vẫn thường xuyên qua đêm tại Tesla hoặc X (trước đây là Twitter), nhất là trong các giai đoạn cao điểm.
Đáng chú ý, tỷ phú Musk từng tiết lộ ông làm việc tới 120 giờ mỗi tuần, tức khoảng 17 giờ mỗi ngày. Sau khi mua lại Twitter vào năm 2022, ông yêu cầu nhân viên “cống hiến toàn bộ cuộc sống” cho công việc, hoặc rời đi. Không bất ngờ khi tỷ phú Elon Musk nhiều lần chỉ trích phương pháp làm việc từ xa là "sai trái về mặt đạo đức".
![]() |
Tỷ phú Jack Ma lý giải rằng nếu bạn thực sự đam mê công việc, thời gian làm việc dài không còn là gánh nặng |
Tại Trung Quốc, tỷ phú Jack Ma, nhà đồng sáng lập Alibaba, cũng từng gây tranh cãi lớn khi công khai ủng hộ văn hóa "996", tức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày mỗi tuần. Ông gọi đây là "phúc lành to lớn" cho giới trẻ và nhấn mạnh: "Nếu bạn không làm 996 khi còn trẻ, thì bao giờ mới có thể làm 996?".
Tỷ phú Jack Ma lý giải rằng, nếu bạn thực sự đam mê công việc, thời gian làm việc dài không còn là gánh nặng. "Nếu bạn không yêu thích công việc, mỗi phút ở văn phòng đều là cực hình", ông nói.
Dù vậy, chính quyền Bắc Kinh đã chính thức tuyên bố lịch làm việc 996 là bất hợp pháp từ năm 2021. Tuy nhiên, trên thực tế văn hóa này vẫn tiếp tục tồn tại ở nhiều công ty Trung Quốc.
Từ việc phủ nhận khái niệm cân bằng như tỷ phú Mark Cuban, cổ vũ sự hòa hợp như Jeff Bezos hay thúc đẩy làm việc cực đoan như CEO Elon Musk và Jack Ma, mỗi nhà lãnh đạo đều phản ánh một triết lý riêng về sự đánh đổi giữa thành công và cuộc sống cá nhân. Dù chọn cách tiếp cận nào, rõ ràng thành công ở tầm thế giới không đến từ công thức một chiều, mà là kết quả của sự lựa chọn cá nhân, đôi khi mang tính cực đoan, đôi khi lại đầy suy tư và cân nhắc. |
![]() |
![]() |
![]() |