Tháng 5/2025 đánh dấu tháng đầu tiên chính sách thuế quan toàn cầu 10% của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực trọn vẹn, giúp Mỹ thu về 24,2 tỷ USD tiền thuế nhập khẩu, cao gấp gần 4 lần cùng kỳ năm trước và tăng hơn 25% so với tháng 4/2025. Đây là mức thu thuế cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử nước Mỹ, bất chấp tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa gần như không đổi so với tháng trước đó.
![]() |
Mỹ thu kỷ lục 24,2 tỷ USD thuế quan giữa chiến tranh thương mại |
Số liệu trên cho thấy, chiến lược thuế quan cứng rắn của ông Trump không chỉ mang ý nghĩa địa chính trị, mà còn mang lại nguồn thu cần thiết cho ngân sách quốc gia Hoa Kỳ. Đặc biệt, nó diễn ra đúng thời điểm Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới của Tổng thống Trump, bao gồm việc gia hạn cắt giảm thuế lớn từ nhiệm kỳ đầu; nhưng cũng đồng thời cắt giảm sâu ngân sách y tế cho người thu nhập thấp. Dự luật dự kiến sẽ làm tăng nợ công của Mỹ thêm 3,4 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, đi kèm với đó là hệ quả rõ rệt đối với thương mại toàn cầu.
Trong tháng 5/2025, giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm còn 19,3 tỷ USD – mức thấp nhất trong vòng 19 năm, và giảm tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả trực tiếp của mức thuế 145% mà ông Trump từng áp lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc hồi đầu năm, dù sau đó đã giảm còn 30% sau các cuộc đàm phán tại London và Geneva.
Mục tiêu của Tổng thống Donald Trump là "tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu", đưa sản xuất trở lại nước Mỹ; đồng thời giảm phụ thuộc vào thuế thu nhập bằng cách tăng thu từ thuế quan. Tuy nhiên, dù tăng mạnh, tiền thu từ thuế nhập khẩu trong tháng 5 chỉ chiếm khoảng 7,7% so với mức thâm hụt ngân sách liên bang 316 tỷ USD cùng tháng. Tính trung bình 12 tháng, tỷ lệ này cao hơn một chút, khoảng 14,5%.
Sau “Ngày giải phóng thương mại” (Liberation Day) hôm 9/4, ông Trump đã áp mức thuế đối ứng từ 10% đến 50% với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ. Tạm thời, mức thuế chung được giữ ở 10% trong 90 ngày và sẽ hết hiệu lực vào ngày 9/7 tới nếu không đạt được các thỏa thuận song phương.
Theo đó, EU đang đối mặt với lời đe dọa áp thuế 50% nếu không nhượng bộ, trong khi Việt Nam được ông Trump thông báo là đã đàm phán thành công để hạ thuế xuống, thay vì mức 46% từng được đề xuất.
Đáng chú ý, các ngành như dược phẩm, bán dẫn tạm thời được miễn thuế, nhưng có thể chịu các mức riêng trong tương lai. Ngành thép, nhôm và ô tô hiện chịu thuế từ 25% đến 50%, với phạm vi mở rộng sang cả các sản phẩm liên quan như máy rửa bát, tủ đông…
Chỉ số thuế quan hiệu quả (tỷ lệ trung bình thuế trên tổng giá trị hàng nhập) của Mỹ đã tăng lên 8,8% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 1946. Riêng với hàng Trung Quốc, tỷ lệ này đạt kỷ lục 48%.
Theo nghiên cứu từ Yale Budget Lab, nếu các mức thuế hiện tại (tính đến ngày 16/6) được duy trì và không tiếp tục tăng sau 9/7, chính sách thuế quan của Mỹ có thể tạo ra khoảng 2,2 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2034. Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản hụt thu khác (do tác động tới tiêu dùng và sản xuất), con số thu ròng chỉ còn khoảng 1,8 nghìn tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt 3,4 nghìn tỷ USD do dự luật giảm thuế thu nhập mới gây ra.
Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đang giúp tăng thu ngân sách Mỹ đáng kể trong ngắn hạn, nhưng chưa đủ để bù đắp chi phí ngân sách mở rộng. Với tỷ lệ áp thuế cao kỷ lục và xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, tận dụng cơ hội đàm phán song phương để duy trì lợi thế cạnh tranh. |
![]() |
![]() |
![]() |