Sau đại dịch, du khách Trung Quốc đang tái định hình bản đồ du lịch Đông Nam Á, với Việt Nam và Malaysia nổi lên là điểm đến hấp dẫn mới. Trong khi đó, Thái Lan từng là “ngôi sao” trong nhiều năm, lại đang chứng kiến đà tăng trưởng suy giảm rõ rệt, chủ yếu do biến động tỷ giá, lo ngại an toàn và khó khăn kinh tế tại Trung Quốc.
![]() |
Du lịch Việt Nam vượt Thái Lan trong mắt khách Trung Quốc |
Theo Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan, trong nửa đầu năm 2025, nước này đón 16 triệu lượt khách quốc tế, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, tỷ lệ du khách Trung Quốc chỉ còn chiếm chưa đầy 14% tổng lượt khách, giảm mạnh so với mức 28% năm 2019 và 19% năm 2024.
Trái lại, theo số liệu tổng hợp từ tờ Business Times, Việt Nam đã vượt mặt Thái Lan khi lượng khách Trung Quốc tăng vọt 78% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Việt Nam thu hút nhiều hơn Thái Lan khoảng 200.000 lượt khách Trung Quốc, chủ yếu nhờ các điểm đến như Đà Nẵng, Nha Trang và đảo Phú Quốc.
Một trong những lý do khiến Thái Lan đánh mất lợi thế là do đồng nhân dân tệ (CNY) đã giảm hơn 10,5% so với đồng baht Thái trong một năm qua, khiến chi phí du lịch tại đây trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi đó, CNY lại tăng giá so với đồng Việt Nam và đồng rupiah Indonesia, giúp du khách Trung Quốc có cảm giác “mua được nhiều hơn” khi tới các điểm đến này.
Bên cạnh yếu tố kinh tế, nhiều sự kiện trong khu vực cũng gây lo ngại cho du khách Trung Quốc. Vụ bắt cóc một diễn viên Trung Quốc tại Thái Lan hồi tháng 1/2025, cùng với động đất tại Lào hồi tháng 3/2025, càng khiến hình ảnh an toàn của Đông Nam Á bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc, những điểm đến được đánh giá an toàn hơn, ghi nhận mức tăng trưởng khách Trung Quốc mạnh mẽ, lần lượt là 68% và 10% vào đầu năm 2025.
![]() |
Tỷ lệ du khách Trung Quốc tới các điểm đến nổi bật tại Đông Nam Á qua các năm (số liệu năm 2025 ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 1/2025 đến tháng 4/2025) (Ảnh: Business Times) |
Một xu hướng nổi bật là sự lên ngôi của thế hệ du khách trẻ Trung Quốc, tự gọi mình là “lực lượng du lịch đặc biệt” trên mạng xã hội. Họ có xu hướng du lịch ngắn ngày, tiết kiệm chi phí nhưng giàu trải nghiệm độc đáo, thường xuyên thay đổi kế hoạch theo các xu hướng “hot” trên Douyin hay Xiaohongshu.
Các điểm đến “lạ” như chi nhánh ngân hàng Maybank ở Kota Kinabalu (Malaysia), Semporna hay đảo Phú Quốc đang bất ngờ nổi tiếng nhờ mạng xã hội. Thay vì chọn các biểu tượng truyền thống như Marina Bay (Singapore) hay Tháp đôi Petronas (Malaysia), du khách Trung Quốc hiện tìm kiếm trải nghiệm khác biệt tại các điểm ít người biết đến.
Ngoài ra, Việt Nam, cùng với Malaysia và Singapore, đang tích cực tận dụng thời điểm để củng cố vị thế. Các chính sách miễn visa, sự thuận tiện ngôn ngữ và dịch vụ “thân thiện Trung Quốc” như chấp nhận Alipay, có nhân viên nói tiếng Hoa, bữa sáng kiểu Trung Quốc… cũng góp phần gia tăng sức hút.
Theo đó, Malaysia đã gia hạn miễn visa 90 ngày cho khách Trung Quốc thêm 5 năm tính từ tháng 4/2025, sau khi thu hút 3,3 triệu lượt khách Trung Quốc năm 2024. Singapore cũng miễn visa 30 ngày từ tháng 2/2024. Trong khi đó, Thái Lan vừa công bố gói kích cầu du lịch trị giá 1,8 tỷ baht nhằm cứu vãn mùa thấp điểm du lịch.
Tuy nhiên, dù lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng mạnh, số liệu chung vẫn còn cách xa so với thời kỳ trước Covid. Nhiều du khách hiện chọn ở lại trong nước, với xu hướng du lịch bằng đường bộ, đường sắt và chi tiêu tiết kiệm. Tổ chức WTTC dự báo chi tiêu du lịch nội địa Trung Quốc sẽ chạm mốc 1.000 tỷ USD trong năm 2025, tăng 19% so với năm trước.
Ngoài ra, chỉ 47% người Trung Quốc được hỏi trong khảo sát của Bloomberg Intelligence cho biết họ dự định ra nước ngoài trong quý III/2025, mức thấp nhất trong một năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ chọn du lịch nội địa vẫn ổn định quanh mốc 71%.
Việt Nam đang nổi lên như điểm đến hàng đầu mới của khách Trung Quốc tại Đông Nam Á, nhờ tỷ giá thuận lợi, môi trường an toàn và chính sách visa linh hoạt. Với sự thay đổi trong hành vi du lịch, đặc biệt là thế hệ trẻ Trung Quốc, ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào trải nghiệm “cá nhân hóa” và xu hướng “du lịch kiểu mạng xã hội” để giữ vững đà tăng trưởng. |
![]() |
![]() |
![]() |