Trong những ngày cuối tuần qua, hàng loạt quốc gia đối tác của Mỹ đã tăng tốc đàm phán để tránh bị áp mức thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump. Mặc dù tuyên bố sẽ bắt đầu gửi thư thông báo mức thuế từ trưa thứ Hai (7/7 theo giờ Washington), ông Trump đồng thời ám chỉ rằng một số thỏa thuận đang gần hoàn tất và có thể đạt được trước hạn chót 9/7.
![]() |
Thế giới chạy đua trước hạn chót thuế quan của Mỹ |
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, các nước chưa hoàn tất thỏa thuận vào thời điểm đó vẫn có cơ hội gia hạn thêm ba tuần để tiếp tục đàm phán. “Chúng tôi sẽ rất bận rộn trong 72 giờ tới”, ông nói trên CNN hôm Chủ nhật (6/7). Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông cũng thừa nhận “có quá nhiều cuộc đàm phán cùng lúc”, khiến tiến trình giai đoạn cuối trở nên chồng chéo.
Đáng chú ý, ông Bessent khẳng định các mức thuế mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8, nhưng nhấn mạnh rằng “Tổng thống đang thiết lập mức thuế và ký kết thỏa thuận ngay lúc này”. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cũng xác nhận điều này khi đi cùng ông Trump về Washington cuối tuần qua.
Một trong những chiến lược đặc trưng của ông Trump trong đàm phán là đưa ra cảnh báo đơn phương vào thời điểm quan trọng để buộc đối phương nhượng bộ. Tuy nhiên, chưa rõ liệu các “thư thuế quan” được đề cập có thực sự được gửi đi, hay chỉ nhằm gây sức ép cuối cùng với các đối tác còn lưỡng lự.
Ông Trump cho biết, đã ký hàng loạt thư thông báo và dự kiến gửi vào đầu tuần này, trong đó có thể áp dụng mức thuế khác nhau tùy từng đối tác. Mặc dù chưa công bố danh sách cụ thể, giới chức Mỹ xác nhận trọng tâm hiện đang là 18 quốc gia, với một số thỏa thuận đã “rất gần” được ký kết.
Tính đến hiện tại, Mỹ mới công bố một khung thỏa thuận sơ bộ với Anh, một bản ghi nhớ ngừng leo thang với Trung Quốc và một cam kết ban đầu với Việt Nam. Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra tích cực với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Campuchia.
Tại châu Á, nhiều nước đang gấp rút chốt thỏa thuận để tránh bị áp mức thuế cao từ ngày 1/8. Campuchia tuần trước xác nhận đã đạt được khung thỏa thuận với Mỹ nhưng không công bố chi tiết. Quốc gia Đông Nam Á này vốn đối mặt nguy cơ bị áp thuế tới 49% đối với hàng xuất khẩu dệt may và giày dép.
Indonesia tỏ ra tự tin đang tiến gần một thỏa thuận “mạnh mẽ” với Mỹ, bao gồm các lĩnh vực khoáng sản chiến lược, năng lượng, quốc phòng và mở cửa thị trường. Trong khi đó, Thái Lan đang đề xuất mở rộng tiếp cận thị trường cho nông sản và hàng công nghiệp Mỹ, đồng thời gia tăng nhập khẩu năng lượng và máy bay Boeing để tránh mức thuế 36% với hàng xuất khẩu của mình.
Nhật Bản - quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh, cũng tuyên bố sẵn sàng cho mọi kịch bản thuế quan. Thủ tướng Shigeru Ishiba khẳng định rằng, Tokyo sẽ “kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia” và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi diễn biến bất ngờ.
Về phía Hàn Quốc, chính phủ nước này đang đề xuất gia hạn thời gian đàm phán thêm ba tuần để có thêm thời gian thương lượng. Trong khi đó, Ấn Độ vừa lên tiếng phản ứng mạnh hơn, đe dọa áp thuế đáp trả lên một số mặt hàng Mỹ nếu Washington không giảm mức thuế đối với linh kiện ô tô và hàng công nghiệp nặng.
![]() |
![]() |
![]() |