Ngân hàng Barclays vừa công bố điều chỉnh tăng dự báo giá dầu Brent trong hai năm tới, phản ánh diễn biến tích cực của cán cân cung – cầu toàn cầu. Theo đó, giá dầu Brent được dự đoán sẽ đạt trung bình 72 USD/thùng trong năm 2025, tăng 6 USD so với ước tính trước đó. Dự báo cho năm 2026 cũng được nâng thêm 10 USD, lên mức 70 USD/thùng.
![]() |
Ngân hàng Barclays nâng dự báo giá dầu Brent trong năm 2025 |
Trong báo cáo phân tích mới nhất, Barclays cho rằng, sự phục hồi của giá dầu gần đây không còn đến từ rủi ro địa chính trị, mà chủ yếu phản ánh các yếu tố nền tảng mạnh mẽ hơn so với kỳ vọng. Dù căng thẳng tại Trung Đông từng đẩy giá dầu lên cao, nhưng lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian giữa Iran và Israel đang được duy trì, khiến phần “phí rủi ro” địa chính trị không còn là yếu tố chính trong định giá.
Bất chấp việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga (gọi chung là OPEC+), đang đẩy mạnh gỡ bỏ các cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện, lượng tồn kho dầu toàn cầu vẫn giảm trong quý II/2025. Barclays nhận định rằng cán cân cung – cầu trên thị trường dầu đang thắt chặt dần, chủ yếu do ba yếu tố: Tăng trưởng nhu cầu mạnh hơn dự kiến, nguồn cung ngoài OPEC suy yếu và việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cơ sở.
![]() |
Giá dầu Brent đã giảm về dưới 70 USD/thùng sau khi căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt. Ảnh: Trading Economics |
Theo đó, Barclays đã nâng mức dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu thêm 260.000 thùng mỗi ngày, trong đó phần lớn đến từ các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). “Nhu cầu từ các quốc gia phát triển đang vượt kỳ vọng”, báo cáo nhận định.
Riêng tại Mỹ, Barclays hiện dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 130.000 thùng mỗi ngày trong năm 2025, cao hơn 100.000 thùng so với ước tính trước đó, phần lớn nhờ tác động từ thời tiết đầu năm. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lưu ý rằng hoạt động tiêu thụ có thể chậm lại dần về cuối năm.
Ở chiều nguồn cung, mặc dù OPEC+ đang thực hiện lộ trình tăng dần sản lượng, nhưng thực tế cho thấy tốc độ gia tăng này đang chậm hơn kế hoạch. Nguyên nhân một phần đến từ việc một số quốc gia thành viên đang phải cắt giảm lại sản lượng để bù đắp cho việc từng vượt hạn ngạch. Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2025, tổng hạn ngạch sản xuất của OPEC+ đã tăng thêm 548.000 thùng/ngày, nhưng sản lượng thực tế hầu như không đổi, cho thấy mức độ tuân thủ chung được cải thiện đáng kể.
![]() |
![]() |
![]() |