Theo Neumann Gruppe GmbH - Tập đoàn giao dịch cà phê lớn nhất thế giới, sản lượng cà phê của Brazil đang trên đà hồi phục trong năm 2026 tới, hứa hẹn giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu kéo dài trong thời gian qua.
![]() |
Brazil dự báo tăng sản lượng cà phê trong niên vụ tới |
“Nếu điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi, chắc chắn rằng sản lượng năm sau sẽ cao hơn năm nay”, ông David Neumann, Giám đốc điều hành của Neumann Gruppe, chia sẻ bên lề một hội nghị ngành cà phê tổ chức tại Campinas (Brazil).
Theo đó, những cơn mưa đều đặn gần đây tại các vùng trồng arabica chủ lực đã giúp cây cà phê hồi phục, sau khi sản lượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán trong niên vụ hiện tại.
Trong niên vụ 2025-2026, sản lượng arabica của Brazil được dự đoán vào khoảng 40 triệu bao, giảm so với mức 43,7 triệu bao của niên vụ trước, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Tuy nhiên, với đà mưa đều như hiện nay, triển vọng sản lượng trong năm tới đang được đánh giá tích cực.
Giá cà phê arabica giao dịch trên thị trường quốc tế đã giảm hơn 30% kể từ mức kỷ lục 4,2995 USD/pound hồi tháng 2/2025; mức giá mà ông Neumann cho là “quá cao vì bắt đầu ảnh hưởng tới tiêu dùng toàn cầu”.
Dù vậy, giá cà phê hiện vẫn duy trì trên mức 2,50 USD/pound, ngưỡng được đánh giá là “bền vững về mặt kinh tế”, xét đến chi phí sản xuất tăng cao và lượng tồn kho toàn cầu vẫn còn thấp.
Việt Nam hiện vẫn là quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới. Tuy không trực tiếp cạnh tranh ở phân khúc arabica như Brazil, nhưng biến động nguồn cung và giá arabica toàn cầu vẫn ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung và nhu cầu phối trộn của các nhà rang xay quốc tế.
Nếu Brazil phục hồi sản lượng trong niên vụ 2026, giá arabica có thể tiếp tục chịu áp lực giảm, mở ra cơ hội cho cà phê robusta của Việt Nam nếu các hãng tìm đến nguồn cung giá rẻ hơn. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của tiêu dùng cà phê toàn cầu vẫn là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu.
Như vậy, tín hiệu tích cực từ Brazil cho thấy nguồn cung cà phê thế giới có thể bớt căng thẳng trong năm tới. Tuy nhiên, giá cà phê vẫn chưa trở lại mức ổn định do tồn kho thấp và chi phí đầu vào toàn cầu tăng. Với doanh nghiệp cà phê Việt Nam, đây là thời điểm cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết khu vực Nam Mỹ, cập nhật xu hướng giá và chuẩn bị chiến lược linh hoạt cho chu kỳ xuất khẩu cuối năm. |
![]() |
![]() |
![]() |