Khi Trung Quốc bắt đầu soạn thảo “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 15 định hướng phát triển đến năm 2030, nhiều cố vấn chính phủ đang thúc giục Bắc Kinh tăng cường vai trò của tiêu dùng hộ gia đình như một trụ cột tăng trưởng chính.
![]() |
Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình làm động lực tăng trưởng |
Hiện tại, tiêu dùng hộ gia đình chỉ chiếm khoảng 40% GDP Trung Quốc, mức thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 54% của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Một số chuyên gia gợi ý Trung Quốc nên đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 50% trong hai kỳ kế hoạch tiếp theo, định hướng tới năm 2035.
Mặc dù giới phân tích từ lâu đã kêu gọi Bắc Kinh chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa thay vì xuất khẩu và đầu tư dựa trên vay nợ, nhưng tiến triển đến nay vẫn hạn chế. Áp lực từ thuế quan cao hơn của Mỹ, tình trạng dư thừa công suất công nghiệp và nguy cơ giảm phát đã khiến lời kêu gọi này thêm khẩn thiết.
“Dựa vào nhu cầu bên ngoài khiến chúng ta dễ tổn thương trước các cú sốc toàn cầu. Chúng ta cần củng cố tiêu dùng nội địa như một động lực tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế”, một cố vấn chính phủ Trung Quốc chia sẻ.
Mặc dù chủ đề này đã được nhắc đến trong hơn một thập kỷ, tỷ trọng tiêu dùng hộ gia đình trong GDP của Trung Quốc hiện vẫn gần như không thay đổi so với năm 2005. Theo các nhà kinh tế, để đạt được mục tiêu đề ra, Bắc Kinh sẽ phải tái phân bổ nguồn lực từ khối doanh nghiệp và khu vực công sang khu vực hộ gia đình, một thay đổi có thể làm chậm tăng trưởng trong ngắn hạn.
Một báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” công bố hồi năm ngoái cũng thừa nhận, hệ thống chính sách hiện hành của Bắc Kinh “chưa đủ hiệu quả” để thúc đẩy tiêu dùng.
Dù vậy, các đề xuất được đưa ra cho kỳ kế hoạch mới lần này phần lớn vẫn là những cam kết cũ: cải thiện hệ thống an sinh xã hội, nới lỏng chế độ hộ khẩu, đồng thời điều chỉnh hệ thống thuế để phân phối lại thu nhập hướng tới nhóm có khả năng chi tiêu cao hơn.
Bên cạnh đó, một số đề xuất mới bao gồm sử dụng tài sản quốc doanh để bổ sung cho quỹ hưu trí, ổn định thị trường chứng khoán và hỗ trợ ngành bất động sản đang gặp khủng hoảng, nhằm cải thiện thu nhập đầu tư của hộ gia đình.
Dù có nhiều đề xuất đổi mới, giới phân tích cho rằng kế hoạch tới vẫn sẽ duy trì định hướng giữ ổn định tỷ trọng ngành sản xuất trong GDP, như trong kế hoạch 5 năm hiện hành của Trung Quốc. Đầu tư do nhà nước dẫn dắt vẫn sẽ đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, tranh luận bắt đầu nổi lên về hiệu quả thực tế khi tiếp tục đầu tư vào một tổ hợp công nghiệp vốn đã chiếm tới một phần ba sản lượng toàn cầu. Một tạp chí trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc tuần trước đã kêu gọi xử lý triệt để “cuộc chiến giá” trong nhiều ngành, phản ánh lo ngại về dư thừa công suất và xu hướng giảm phát.
Ông Peng Sen - Chủ tịch Hội Kinh tế Cải cách Trung Quốc - cảnh báo, tiêu dùng yếu kém đang làm giảm lợi nhuận ngành sản xuất và đe dọa đến việc làm. Ông đề xuất tăng tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng (bao gồm chi tiêu hộ gia đình và chính phủ) lên 70% GDP vào năm 2035, so với mức 56,6% hiện tại.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ tăng trưởng dựa vào tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế chính phủ Yu Yongding mới đây nhận định rằng, mô hình này “không chính xác về lý thuyết” và khó bền vững nếu thiếu đầu tư dẫn dắt tăng trưởng.
![]() |
![]() |
![]() |