![]() |
Nhật Bản mất ngôi “chủ nợ lớn nhất thế giới” sau 3 thập kỷ. |
Theo số liệu công bố hôm thứ Ba (27/5) bởi Bộ Tài chính Nhật Bản, tổng tài sản nước ngoài ròng của Nhật đạt 533,05 nghìn tỷ yên (tương đương 3,7 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2024, tăng khoảng 13% so với năm trước.
Tuy nhiên, Đức đã vượt lên với tổng tài sản nước ngoài ròng 569,7 nghìn tỷ yên (khoảng 4 nghìn tỷ USD), trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ ba với 516,3 nghìn tỷ yên (tương đương 3,6 nghìn tỷ USD).
Sự vượt lên của Đức phần lớn phản ánh thặng dư tài khoản vãng lai (current account) vượt trội, đạt tới 248,7 tỷ euro (283,3 tỷ USD) trong năm 2024, chủ yếu nhờ vào hiệu quả hoạt động thương mại mạnh mẽ. Trong khi đó, thặng dư của Nhật đạt 29,4 nghìn tỷ yên (khoảng 206,4 tỷ USD). Đáng chú ý, tỷ giá euro-yên đã tăng khoảng 5% trong năm vừa qua, khiến giá trị tài sản Đức được quy đổi sang yên tăng mạnh – trở thành yếu tố đẩy Nhật Bản xuống vị trí thứ hai.
Một quốc gia được coi là “chủ nợ” toàn cầu khi giá trị tài sản mà nước đó nắm giữ ở nước ngoài vượt quá lượng tài sản trong nước mà người nước ngoài nắm giữ. Chênh lệch này phản ánh tích lũy dài hạn của thặng dư tài khoản vãng lai, và được điều chỉnh bởi biến động tỷ giá. |
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato không tỏ ra lo ngại về việc tụt hạng trên bảng xếp hạng. “Tài sản nước ngoài ròng của Nhật vẫn tăng đều. Vì vậy, thứ hạng không nên được xem là chỉ dấu cho sự thay đổi lớn về vị thế quốc tế của Nhật”, ông Kato nhấn mạnh.
Theo giới phân tích, việc Nhật Bản mất vị trí đầu bảng phần nào phản ánh chiến lược đầu tư nước ngoài ngày càng thiên về dài hạn, đặc biệt dưới hình thức đầu tư trực tiếp (FDI) thay vì đầu tư vào chứng khoán nước ngoài. Bộ Tài chính Nhật cho biết, trong năm 2024, các doanh nghiệp nước này đã tiếp tục mở rộng đầu tư tại Mỹ và Anh, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và bán lẻ.
Ông Daisuke Karakama - Chuyên gia kinh tế thị trường tại Ngân hàng Mizuho - nhận định: “Nhật Bản đang đẩy mạnh FDI thay vì nắm giữ trái phiếu hay cổ phiếu nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc khó rút vốn nhanh khi có rủi ro toàn cầu, khác với cách nhà đầu tư có thể bán tháo trái phiếu trong khủng hoảng”.
Ngoài yếu tố chiến lược đầu tư, đồng yên yếu cũng đóng vai trò kép: Một mặt giúp tăng giá trị quy đổi của tài sản ở nước ngoài, nhưng mặt khác cũng khiến nghĩa vụ nợ nước ngoài bằng đồng nội tệ phình to hơn. Trong trường hợp này, tài sản ròng của Nhật vẫn tăng, nhưng không đủ để giữ vị trí số 1 toàn cầu.
Việc Nhật Bản tụt hạng có thể gây ra một số lo ngại trong giới đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển sản xuất về Mỹ để tránh rủi ro từ thuế quan. Một số công ty Nhật đã bắt đầu chuyển tài sản và dây chuyền sản xuất sang Mỹ như một biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó càng gia tăng dòng vốn FDI của Nhật.
Tương lai vị thế đầu tư nước ngoài của Nhật sẽ phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp trong nước có tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài hay không, đặc biệt là tại Mỹ. Nếu xu hướng này tiếp tục, Nhật có thể tăng giá trị tài sản dài hạn nhưng đánh mất sự linh hoạt về dòng tiền, điều vốn là lợi thế của các chủ nợ toàn cầu trong thời kỳ bất ổn.
![]() |
![]() |
![]() |