Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (15/7) đã công bố quyết định áp mức thuế 19% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia, đánh dấu một thỏa thuận mới trong chiến lược thương mại của Washington. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Trump tiếp tục đẩy mạnh đàm phán nhằm đạt được những điều khoản có lợi hơn cho Mỹ, và giảm thiểu thâm hụt thương mại khổng lồ.
![]() |
Mỹ sẽ áp thuế Indonesia 19%, còn EU sẵn sàng trả đũa |
Thỏa thuận với Indonesia - một đối tác thương mại tương đối nhỏ của Mỹ, là một trong số ít các hiệp định được chính quyền ông Trump ký kết trước thời hạn 1/8. Đây là thời điểm mà mức thuế áp lên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ dự kiến sẽ tăng trở lại.
Đáng chú ý, quyết định trên được đưa ra khi đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ – Liên minh châu Âu (EU), đang ráo riết chuẩn bị các biện pháp trả đũa, phòng trường hợp các cuộc đàm phán giữa Washington và Brussels không đạt được kết quả.
Khi thời hạn 1/8 đang đến gần, các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành với nhiều đối tác thương mại khác của Mỹ. Các quốc gia đều mong muốn tránh việc phải chịu thêm các khoản thuế mới đối với hàng xuất khẩu vào Mỹ, ngoài mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết các mặt hàng đã được áp dụng từ tháng 4/2025.
Dựa trên các công bố về thuế quan của ông Trump tính đến ngày 13/7, Phòng nghiên cứu Ngân sách của Đại học Yale ước tính, tỷ lệ thuế suất trung bình hiệu dụng của Mỹ sẽ tăng lên 20,6%, từ mức chỉ 2% đến 3% trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1/2025. Ngay cả khi tính đến sự thay đổi trong tiêu dùng, tỷ lệ này có thể giảm xuống 19,7%, nhưng vẫn là mức cao kỷ lục kể từ năm 1933.
Tổng thống Donald Trump cho biết, đã phác thảo một thỏa thuận với Indonesia. Theo đó, hàng xuất khẩu của nước này sang Mỹ sẽ chịu mức thuế cố định, xấp xỉ gấp đôi mức 10% hiện tại, trong khi hàng xuất khẩu của Mỹ vào Indonesia sẽ không bị đánh thuế. Thỏa thuận này cũng bao gồm một mức thuế phạt đối với các trường hợp chuyển tải (transshipment) hàng hóa từ nước khác qua Indonesia, cùng với cam kết mua một số sản phẩm của Mỹ.
Ngoài ra, sau đó ông Trump còn tuyên bố trên nền tảng Truth Social của mình rằng Indonesia đã đồng ý mua 15 tỷ USD sản phẩm năng lượng của Mỹ, 4,5 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp Mỹ và 50 máy bay Boeing, mặc dù khung thời gian cụ thể cho các giao dịch này chưa được tiết lộ.
Tổng kim ngạch thương mại của Indonesia với Mỹ đạt gần 40 tỷ USD vào năm 2024, dù không nằm trong top 15 nhưng đang có xu hướng tăng trưởng. Xuất khẩu của Mỹ sang Indonesia cũng đã tăng 3,7% vào năm ngoái, trong khi nhập khẩu từ Indonesia tăng 4,8%, khiến Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại hàng hóa gần 18 tỷ USD với quốc gia này.
Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu vào Mỹ từ Indonesia trong năm ngoái bao gồm dầu cọ, thiết bị điện tử như bộ định tuyến và bộ chuyển mạch dữ liệu, giày dép, lốp ô tô, cao su tự nhiên và tôm đông lạnh.
Trước đó, ông Trump đã đe dọa áp mức thuế 32% đối với Indonesia có hiệu lực từ ngày 1/8 trong một lá thư gửi tổng thống nước này vào tuần trước. Ông cũng đã gửi các lá thư tương tự tới khoảng hai chục đối tác thương mại trong tháng này, bao gồm Canada, Nhật Bản và Brazil, với mức thuế suất chung dao động từ 20% đến 50%, cũng như mức thuế 50% đối với đồng.
Về phía EU, Ủy ban châu Âu (EC) đang chuẩn bị áp thuế lên 72 tỷ euro hàng hóa Mỹ, bao gồm máy bay Boeing, rượu bourbon, ô tô và nhiều sản phẩm nông nghiệp, nếu đàm phán thương mại với Mỹ thất bại. Động thái này nhằm đối phó với việc ông Trump đe dọa áp thuế lên đến 30% đối với hàng EU từ ngày 1/8, điều mà các quan chức châu Âu cho là không thể chấp nhận.
Danh sách hàng hóa EU bị nhắm mục tiêu, trị giá 6,35 tỷ euro, bao gồm hóa chất, thiết bị y tế, nông sản, rượu vang và bia. Sau cuộc họp tại Brussels, EU khẳng định vẫn muốn đạt thỏa thuận với Mỹ, nhưng cũng thể hiện rõ quyết tâm đáp trả nếu cần thiết.
![]() |
![]() |
![]() |