Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh các mối đe dọa từ chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến khối này cần khẩn trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
![]() |
EU tìm “lối thoát” thương mại tại châu Á giữa áp lực thuế quan Mỹ |
Phát biểu hôm 14/7, bà Teresa Ribera – Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách cạnh tranh - cho biết, EU đang tập trung đẩy mạnh các cuộc đàm phán thương mại với Ấn Độ, đồng thời xem xét mở rộng thêm các thỏa thuận với nhiều quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương.
“Chúng ta cần đánh giá xem có thể tiến xa tới đâu trong việc hợp tác thương mại với các quốc gia ở Thái Bình Dương. Ví dụ, đàm phán với Ấn Độ đang được thúc đẩy và có ý nghĩa rất quan trọng”, bà Ribera nói trong chuyến công tác tại Bắc Kinh.
Chuyến đi của bà Ribera diễn ra khi Tổng thống Trump tiếp tục gây sức ép với các đối tác thương mại nhằm áp đặt loạt thuế đối ứng mới. EU, cùng với nhiều đối tác của Mỹ, đang nằm trong danh sách có nguy cơ bị đánh thuế cao nếu không đạt được thỏa thuận trước thời hạn.
Dù khẳng định khối này vẫn sẽ tiếp tục đàm phán với Washington, bà Ribera cho biết EU sẽ chủ động mở rộng hợp tác với các nền kinh tế khác, để đảm bảo duy trì thương mại tự do và công bằng trong trường hợp thuế quan Mỹ trở thành hiện thực.
Bà Ribera nói: “Chúng ta cần tiếp tục xây dựng khả năng chống chịu và tăng cường quan hệ với các đối tác cùng chia sẻ giá trị, cùng tôn trọng pháp quyền. Đây là cách để đảm bảo dòng chảy thương mại hòa bình và công bằng không bị gián đoạn”.
Theo Bloomberg, EU đang chuẩn bị các biện pháp tăng cường thương mại với những nước cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, bao gồm các sáng kiến mới tại châu Á nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Bắc Mỹ.
Tại Bắc Kinh, bà Ribera có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường trong khuôn khổ hội đàm về khí hậu kéo dài hai ngày. Chuyến thăm này cũng diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc vào tuần tới - nơi các nhà lãnh đạo hai bên dự kiến sẽ bàn về nhiều vấn đề nóng bỏng, từ thương mại đến địa chính trị.
Dù Trung Quốc đang cố gắng cải thiện quan hệ với EU, nhưng nhiều bất đồng vẫn tồn tại, bao gồm việc Bắc Kinh áp đặt hạn chế xuất khẩu đất hiếm – loại nguyên liệu chiến lược cho các ngành công nghệ và năng lượng tại châu Âu.
“Đất hiếm không nên trở thành điểm nghẽn làm cản trở sự thịnh vượng chung”, bà Ribera nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi đối thoại để giảm thiểu tổn hại.
Ngược lại, EU hiện cũng đang áp thuế đối với xe điện Trung Quốc do cáo buộc các nhà sản xuất của nước này được hưởng trợ cấp không công bằng, trong khi Bắc Kinh đã phản đối và cảnh báo sẽ trả đũa.
![]() |
![]() |
![]() |