Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vừa đạt được một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt; theo đó, phần lớn hàng xuất khẩu từ EU sang Mỹ, bao gồm cả ô tô, sẽ chịu mức thuế 15%. Mức thuế này thấp hơn đáng kể so với mức 30 – 50% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đe dọa áp dụng nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8.
![]() |
Ông Trump mang về hơn 1.300 tỷ USD cho Mỹ sau thỏa thuận thương mại với EU |
Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố thỏa thuận vào Chủ nhật (27/7) tại sân golf Turnberry của ông Trump ở Scotland. Dù không công bố chi tiết đầy đủ, cả hai bên đều khẳng định thỏa thuận mang lại “ổn định và dự báo được” cho quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Tỷ giá đồng euro ngay lập tức phản ứng tích cực, tăng 0,3% so với USD trong phiên giao dịch tại Sydney, sau khi đã tăng 1% trong tuần trước.
Tổng giá trị giao thương giữa Mỹ và EU ước tính đạt khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm. Việc tránh được một cuộc chiến thương mại có quy mô lớn được giới chuyên gia đánh giá là yếu tố giúp ổn định thị trường toàn cầu trong ngắn hạn.
Theo các nguồn tin liên quan, việc đồng ý với mức thuế 15% trên phần lớn hàng hóa, bao gồm cả dược phẩm và chip, là điều kiện then chốt để EU giữ được quyền tiếp cận thị trường Mỹ và tránh mức thuế cao hơn. Dù vậy, các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt tại Đức, cho rằng thỏa thuận này “gửi đi tín hiệu tiêu cực” vì tính bất cân xứng giữa hai bên.
Ngoài ra, một số bất đồng vẫn còn xuất hiện trong nội dung công bố: Ông Trump khẳng định dược phẩm và kim loại sẽ không bị ảnh hưởng, trong khi bà von der Leyen nói rõ mọi nhóm hàng (bao gồm cả thuốc, chip và ô tô) đều sẽ chịu thuế 15%. Với thép và nhôm, EU chấp thuận áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, nếu vượt ngưỡng sẽ chịu mức thuế 50% như hiện tại.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump tuyên bố EU sẽ chi 750 tỷ USD mua năng lượng Mỹ, đầu tư thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, và tăng cường nhập khẩu thiết bị quân sự. Ngoài ra, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về rượu vang, đồ uống có cồn và các lĩnh vực kỹ thuật số.
Nếu không đạt được thỏa thuận, Bloomberg Economics ước tính mức thuế trung bình hiệu dụng của Mỹ với hàng nhập khẩu EU có thể tăng lên gần 18% từ mức 13,5% hiện nay. Với thỏa thuận mới, mức trung bình này sẽ vào khoảng 16%.
Trước đây, EU từng chuẩn bị đánh thuế khoảng 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ nếu không đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán nước rút trong tháng 7, cùng việc bà von der Leyen gặp ông Trump tại sân golf cá nhân, đã kết thúc bế tắc kéo dài nhiều tháng.
Tổng thống Donald Trump khẳng định, mục tiêu của chính sách thuế mới là kích thích sản xuất trong nước Mỹ, tăng thu cho ngân sách và cải thiện cán cân thương mại vốn đang thâm hụt quá lớn. Dù vậy, giới đầu tư và chính phủ các nước lại cảnh báo rủi ro từ chính sách không nhất quán và các quyết định bất ngờ từ chính quyền Washington.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU thừa nhận thỏa thuận có “kết quả không đối xứng”, nhưng vẫn là lựa chọn tốt nhất để duy trì đối thoại và tránh leo thang căng thẳng.
Thực tế, EU đã chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn so với các quốc gia khác. Một số nước châu Á như Nhật Bản, Indonesia, Philippines cũng đạt được thỏa thuận với Mỹ ở mức thuế từ 15–20%, và EU xem đây là cơ sở hợp lý để đàm phán.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn cho biết đang đàm phán thêm với Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Với các quốc gia nhỏ hơn, ông cho biết sẽ gửi thư thông báo đơn phương về mức thuế áp dụng.
Việc ông Trump từng gọi EU là “được tạo ra để bóc lột nước Mỹ” tiếp tục khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thêm nhạy cảm. Những rào cản phi thuế quan (như thuế VAT, quy định môi trường và dịch vụ kỹ thuật số) vẫn là tâm điểm của những bất đồng chưa có lời giải rõ ràng.
![]() |
![]() |
![]() |