Tính từ đầu năm 2025, đồng rúp đã tăng khoảng 45% so với đồng USD và trở thành một trong những đồng tiền mạnh nhất thế giới hiện nay. Mức tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Trung ương Nga, cùng kỳ vọng tích cực sau các cuộc đàm phán Nga – Mỹ hồi tháng 2/2025 liên quan đến xung đột tại Ukraine.
![]() |
Vì sao đồng rúp Nga tăng mạnh và điều đó có ý nghĩa gì? |
Lãi suất tiền gửi rúp hiện đã vượt 20%, khiến đồng tiền này hấp dẫn với người gửi tiết kiệm trong nước lẫn các nhà đầu cơ quốc tế tìm kiếm lợi suất cao. Đồng thời, chi phí vay tăng cũng kìm hãm nhập khẩu, làm giảm nhu cầu đối với ngoại tệ. Việc đồng USD suy yếu với mức giảm 6,6%, kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng vào đầu tháng 4/2025, cũng hỗ trợ thêm cho đà tăng của đồng rúp.
Mặc dù Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định vẫn duy trì tỷ giá thả nổi, họ đã can thiệp thị trường bằng cách bán đồng Nhân dân tệ – công cụ duy nhất còn lại – nhằm kiềm chế biến động tỷ giá. Khi rúp tăng giá so với nhân dân tệ, tỷ giá rúp/USD cũng bị kéo lên cao để ngăn chặn tình trạng chênh lệch tỷ giá có thể bị lợi dụng.
Theo giới chuyên gia, việc đồng rúp mạnh giúp kiềm chế lạm phát bằng cách khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn. Ông Dmitry Pyanov – Phó Tổng giám đốc thứ nhất của ngân hàng VTB, cho rằng đây là một phần trong chiến lược kiểm soát giá của cơ quan quản lý tiền tệ.
Dù đồng rúp mạnh có lợi trong việc kiềm chế giá cả, nó lại gây khó khăn cho ngân sách nhà nước. Phần lớn doanh thu từ dầu khí vốn được thanh toán bằng USD, khi quy đổi sang rúp sẽ giảm đáng kể khi đồng nội tệ tăng giá. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực năng lượng, kim loại và nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế.
Chính phủ Nga hiện xây dựng ngân sách năm 2025 dựa trên tỷ giá trung bình 94,3 rúp đổi 1 USD, trong khi thực tế tỷ giá hiện tại chỉ quanh mức 78. Theo ước tính của các nhà phân tích tại VTB, nếu rúp tiếp tục duy trì ở mức cao, ngân sách Nga có thể thất thu tới 2,4% trong năm nay.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina nhấn mạnh rằng tỷ giá không thể chỉ phục vụ lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu. Bà cho rằng một đồng tiền yếu hơn sẽ phản ánh sự bất ổn kinh tế; đồng thời khẳng định sức mạnh hiện tại của đồng rúp là kết quả tất yếu từ chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát.
![]() |
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina |
Kể từ khi sàn giao dịch Moscow (MOEX) bị phương Tây trừng phạt vào năm 2024, giao dịch rúp – USD đã chuyển sang hình thức phi tập trung (OTC), với dữ liệu giá chỉ do ngân hàng trung ương nắm giữ. Trong khi đó, rúp vẫn được giao dịch công khai với nhân dân tệ trên sàn MOEX.
Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển thương mại của Nga khỏi hệ thống tài chính của phương Tây. Năm 2024, 95% giao dịch thương mại Nga – Trung được thanh toán bằng rúp và nhân dân tệ. Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt kỷ lục 245 tỷ USD. Tỷ giá rúp – nhân dân tệ cũng đã tăng 25% từ đầu năm.
Các doanh nghiệp năng lượng Nga hiện chuyển đổi thu nhập bằng nhân dân tệ, trong khi nhà nhập khẩu dùng nhân dân tệ để thanh toán hàng hóa. Do đó, tỷ giá rúp – nhân dân tệ ngày càng được coi là chỉ báo quan trọng hơn cả tỷ giá với USD.
Dù đồng rúp liên tục vượt dự báo tăng giá của các chuyên gia, áp lực điều chỉnh có thể xuất hiện trong thời gian tới. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nga sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp sắp tới, đồng nghĩa lãi suất thực tế trên thị trường sẽ giảm, khiến dòng tiền tiết kiệm bằng rúp có thể rút bớt, gây áp lực lên tỷ giá.
Một yếu tố khác là hạn chót 50 ngày mà Tổng thống Trump đặt ra cho Nga nhằm thể hiện thiện chí tiến tới giải pháp hòa bình tại Ukraine. Nếu Nga không đạt tiến triển cụ thể trước đầu tháng 9, Mỹ có thể tung thêm các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhắm vào khách hàng mua dầu của Nga – điều có thể tác động nghiêm trọng tới cán cân ngoại hối và đồng nội tệ.
Trước đó, lần gần nhất rúp giảm mạnh là vào tháng 11/2024, sau khi Mỹ trừng phạt Gazprombank – ngân hàng chịu trách nhiệm xử lý thanh toán dầu khí của Mát-xcơ-va.
Đáng chú ý, nguồn tin từ Ngân hàng Trung ương Nga dẫn lại bởi Reuters cho biết, trong đợt cắt giảm lãi suất từ 17% xuống 11% hồi năm 2015, đồng rúp cũng mất giá từ từ trong nhiều tháng. Đây cũng là kịch bản mà các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng cho lần này.
![]() |
![]() |
![]() |