Nga mất đi một nguồn thu quan trọng cho nền kinh tế (Ảnh: AFP). |
Nga không còn có thể vận chuyển khí đốt tự nhiên tới châu Âu qua hệ thống đường ống của Ukraine sau khi thỏa thuận kéo dài năm năm, được ký kết trước xung đột, đã hết hạn vào ngày thứ Tư (1/1). Đây được cho là dấu chấm hết cho một thỏa thuận kéo dài, sử dụng Ukraine làm trung chuyển khí đốt từ Nga tới phương Tây. Theo đó, thỏa thuận này vẫn được duy trì ngay cả khi cuộc xung đột bùng nổ vào năm 2022.
Các quốc gia châu Âu nhận khí đốt, như Slovakia và Áo, đã thanh toán cho Nga khoản năng lượng này. Theo tính toán của Reuters vào tháng 12, nền kinh tế Nga dự kiến thu về khoảng 5 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2024 từ việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Trong khi đó, Reuters ước tính Ukraine thu được từ 800 triệu đến 1 tỷ USD trong năm đó từ phí trung chuyển.
Tuy nhiên, Ukraine đã phát đi tín hiệu trong nhiều tháng rằng họ có kế hoạch để chấm dứt thỏa thuận này khi nó hết hạn vào ngày 1 tháng 1 năm 2025 và hiện đã thực hiện cam kết đó.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, cho biết: “Khi ông Putin tiếp quản vị trí tổng thống Nga hơn 25 năm trước, lượng khí đốt trung chuyển hàng năm qua Ukraine đến châu Âu là hơn 130 tỷ mét khối. Hôm nay, con số đó bằng 0”.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, ông Herman Halushchenko, cho biết thỏa thuận trung chuyển đã chấm dứt vì lý do an ninh quốc gia.
Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom hôm thứ Tư (1/1) cũng xác nhận dòng chảy năng lượng qua Ukraine đã dừng lại, với lý do “sự từ chối rõ ràng và nhiều lần của phía Ukraine trong việc gia hạn thỏa thuận này”.
Ukraine đã vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu từ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, và các khách hàng năng lượng ban đầu bày tỏ lo ngại rằng họ sẽ không thể tìm nguồn cung thay thế kịp thời nếu thỏa thuận hết hạn.
Tổng thống Slovakia, ông Robert Fico, đã chỉ trích quyết định của Kyiv trong bài phát biểu đầu năm mới, cho rằng việc cắt nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga tới châu Âu sẽ gây “tác động nghiêm trọng” lên các quốc gia EU nhưng không làm tổn hại đến Nga.
Ngược lại, Áo đã cắt đứt quan hệ với Gazprom từ tháng 12, cáo buộc Nga sử dụng năng lượng làm công cụ gây áp lực với công ty khí đốt OMV của Áo để đổi lấy sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine.
Việc mất Áo như một khách hàng là một đòn giáng khác vào ngành khí đốt của Moscow khi châu Âu đang dần loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. EU cho biết vào tháng 3 rằng khoảng 8% lượng khí đốt tự nhiên của họ đến từ Nga trong năm 2023, giảm từ 40% vào năm 2021.
Kể từ khi xung đột bắt đầu, Mỹ và Na Uy đã nổi lên như hai nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất. EU cho biết lượng mua khí đốt từ Mỹ trong năm 2023 đã tăng gấp ba lần so với năm 2021, chiếm gần 20% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của liên minh này.