Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam - Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chứng tỏ sự ham học khi miệt mài đọc những cuốn sách, nhất là các tác phẩm văn học Nga. Ông ấn tượng mạnh mẽ nhất với cuốn “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Ostrovsky.
Cuốn sách mang theo khát vọng
Cuốn tiểu thuyết khắc sâu trong tâm trí cậu bé Nguyễn Huy Hiệu khi đó trong suốt thời thơ ấu và mãi về sau. Hình ảnh anh lính Pavel sống cho lý tưởng giải phóng dân tộc nung nấu trong cậu bé Nguyễn Huy Hiệu với khát khao một ngày không xa cũng được cống hiến như Paven. Ý tưởng đó được hiện thực hóa khi cậu bé Nguyễn Huy Hiệu không do dự, viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi.
Ở chiến trận, trong những thời khắc gian khổ, khó khăn, bệnh tật, đau đớn, cái chết rình rập, cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy” như một điểm tựa tinh thần với người lính Nguyễn Huy Hiệu, giúp ông vượt qua 67 trận đánh, từng bước trưởng thành để trở thành một vị Tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khó khăn chưa khi nào làm ông chùn bước, đó cũng là một phần nhờ ảnh hưởng tích cực của văn học Nga.
Sau này, trải qua những cương vị khác nhau như 3 nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương Đảng, 2 nhiệm kỳ cộng tác viên của Hội đồng lý luận Trung ương Đảng, hơn 3 nhiệm kỳ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tướng Nguyễn Huy Hiệu càng thấm nhuần ý nghĩa lớn lao của “thép đã tôi” trong thời bình.
![]() |
Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Huy Hiệu chào Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow, tháng 7/2007. |
Năm 1977, Tướng Nguyễn Huy Hiệu tham gia đoàn Việt Nam thăm và cảm ơn các nước đã ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Ông nhớ lại, khi hay tin có đoàn Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam tới thăm, một số vị tướng và những người bạn Nga đón tiếp vô cùng nồng hậu. Những bó hoa tươi thắm cùng nụ cười hiền hòa của phía bạn đã làm ông và cả đoàn xúc động.
Tướng Nguyễn Huy Hiệu kể, đi đến đâu, nhân dân Nga cũng hô to “Hoan hô! Anh hùng Hồ Chí Minh”. Họ còn nâng bổng các chiến sỹ trong đoàn Việt Nam lên như chính là những người con của dân tộc Nga. Nhân dân Nga quá thấu hiểu nỗi gian nan mà quân đội Việt Nam phải trải qua và cảm phục ý chí quật cường ấy, cũng giống như họ, một thời chiến tranh máu lửa anh hùng. Đó là lý do vì sao họ đồng cảm với những chiến sỹ Việt Nam và xem đó là niềm vui của chính mình.
Trong cảm nhận của Tướng Nguyễn Huy Hiệu, nhân dân Nga thân thiện từ những người dân thường cho đến lãnh đạo cấp cao nhất. Thời gian đảm trách cương vị là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách khoa học kỹ thuật, đối ngoại, Tướng Hiệu nhiều lần được tiếp kiến với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng thống Vladimir Putin. Ông chia sẻ, Tổng thống Putin là người cương nghị, sắc sảo, quyết đoán nhưng rất mực gần gũi.
Đến lòng biết ơn và khâm phục
Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, Liên Xô từng ủng hộ, giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất bao gồm quốc phòng và vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự giúp Việt Nam chiến đấu và đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sau khi thống nhất đất nước, mối quan hệ này tiếp tục được củng cố và phát triển. Ông Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại, năm 1983, ông được chỉ định làm lớp trưởng và Bí thư Chi bộ Đảng của lớp học gồm 4 Sư trưởng của Việt Nam sang học tập tại trường quân sự chuyên nghiệp của Nga.
Suốt một năm học tập và gắn bó với các cán bộ quân sự của Nga, ông vô cùng khâm phục trước cách truyền đạt kinh nghiệm về quân sự, ứng phó linh hoạt của các chiến sỹ quân đội nước bạn. Trước hết là về tấm lòng độ lượng, tin yêu vô điều kiện từ phía Nga. Người Nga coi Việt Nam là đối tác tin cậy nên rất nhiệt tình, hướng dẫn, giảng dạy quân sự của Nga cho Việt Nam. Vị tướng cho biết, ông vô cùng biết ơn phía bạn đã hết lòng đào tạo về tham mưu chiến dịch, chiến lược và nghệ thuật chiến đấu của Nga cho các chiến sĩ Việt Nam.
![]() |
Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Huy Hiệu và phu nhân trong một lần trở lại Nga. |
Những kiến thức mang tính ưu việt, tinh hoa bậc nhất của quân đội Nga thu được từ cuộc chiến khốc liệt trong Chiến tranh thế giới thứ 2, đã được truyền lại một cách nhiệt tình, tận tâm cho Việt Nam. Theo Tướng Nguyễn Huy Hiệu, điều ấy không thể “mua được bằng vật chất bởi đó là kết tinh mà nhân dân Nga phải trả giá bằng máu xương mới có được”.
Sau này, khi trở về nước những phương pháp đào tạo kiến thức cơ bản của Nga đã giúp ông và những người bạn có nền tảng kiến thức tốt áp dụng vào thực tiễn công tác quốc phòng. Từ đó sáng tạo ra những giải pháp quân sự phù hợp với điều kiện văn hóa quân sự Việt Nam đạt hiệu quả cao.
Tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ, bên cạnh việc sát cánh cùng Việt Nam trong công tác quân sự, quốc phòng, Nga còn cổ vũ, ủng hộ, tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Vị tướng cho biết “thời nước ta kháng chiến chống Mỹ, bộ đội trú trong rừng sâu, thường bị sốt rét, hy sinh tương đối nhiều. Trước tình hình đó, Liên Xô đã viện trợ cho chúng ta loại thuốc ký ninh (gồm cả loại thuốc uống và thuốc tiêm) rất hữu hiệu trong chữa trị bệnh sốt rét ác tính cho bộ đội Việt Nam. Bản thân tôi là một trong những người lính được cứu sống nhờ thuốc của họ”.
Với Tướng Nguyễn Huy Hiệu, những ký ức về nước Nga sống mãi trong tâm trí ông với những tình cảm chân thành, lòng cảm mến với người dân, đất nước Nga hiền hậu, gần gũi, dành một sự tin yêu đặc biệt cho Việt Nam.