Thị trường công nghệ chao đảo
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần vừa qua đã tiếp tục khuấy đảo thị trường toàn cầu khi tái khẳng định kế hoạch áp thuế 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU); đồng thời cảnh báo sẽ đánh thuế 25% lên tất cả các mẫu điện thoại thông minh sản xuất bên ngoài nước Mỹ, bao gồm cả sản phẩm của Apple và Samsung. Đây là động thái mới nhất trong chuỗi căng thẳng thương mại leo thang, giữa lúc các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang tìm kiếm sự ổn định sau nhiều tháng bất ổn.
![]() |
Căng thẳng thương mại toàn cầu: Tổng thống Donald Trump, smartphone và EU. |
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 23/5, ông Trump cáo buộc EU đã “chơi không đúng luật”, cho rằng khối này đã trì hoãn đàm phán và đối xử không công bằng với doanh nghiệp Mỹ thông qua các vụ kiện và quy định gắt gao. Đáng chú ý, ông nhấn mạnh mức thuế đã được chốt và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6: “Chúng tôi đã đưa ra con số. Đó là 50%. Tôi sẽ chơi theo cách của mình”.
Riêng với ngành smartphone, Tổng thống Mỹ khẳng định rằng mức thuế 25% sẽ áp dụng cho tất cả thiết bị được sản xuất ở nước ngoài, không chỉ với Apple mà còn với các thương hiệu như Samsung. “Nếu chỉ áp dụng cho Apple mà không áp dụng cho Samsung, thì không công bằng”, ông nói. Chính quyền Mỹ đặt mục tiêu ban hành thuế này trước cuối tháng 6/2025.
Thông tin trên đã ngay lập tức gây chấn động thị trường. Cổ phiếu của hãng Apple giảm hơn 3%, dẫn đầu đà bán tháo trong nhóm công nghệ khi nhà đầu tư lo ngại chi phí tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng. Trước đó, thị trường từng có hy vọng vào tín hiệu hòa giải sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent rằng nhiều thỏa thuận có thể đạt được trong vài tuần tới. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng dội gáo nước lạnh khi tuyên bố không còn kỳ vọng một thỏa thuận với EU.
Theo đó, Bộ trưởng Bessent thừa nhận Tổng thống Mỹ đang “ngày càng mất kiên nhẫn” với châu Âu, và ông hy vọng động thái này sẽ “gây áp lực thực sự” để EU nhanh chóng nhượng bộ. Tuyên bố của ông Trump cũng đi ngược lại tinh thần xây dựng mà Bộ Tài chính Mỹ từng thể hiện tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính nhóm G7 hồi đầu tuần.
Đáng chú ý, Tổng thống Donald Trump còn chỉ trích việc Apple chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, và cho biết đã yêu cầu CEO Tim Cook không đưa toàn bộ hoạt động ra ngoài Mỹ. “Tôi đã có thỏa thuận với Tim rằng ông ấy sẽ không làm vậy. Tôi nói rằng sản xuất ở Ấn Độ là được, nhưng không thể bán ở Mỹ mà không bị đánh thuế”, ông Trump viết trên mạng xã hội.
Trước những diễn biến trên, EU đang ráo riết chuẩn bị các biện pháp trả đũa trị giá 95 tỷ euro, nhằm vào hàng loạt sản phẩm Mỹ nếu không đạt được tiến triển trong đàm phán. Một số nguồn tin cho biết, EU đã gửi tới Nhà Trắng một đề xuất thương mại mới, bao gồm cả thuế, đầu tư và hợp tác an ninh kinh tế, với mục tiêu khởi động lại các cuộc đàm phán chính thức. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu rõ ràng rằng Washington sẽ phản hồi tích cực.
Nhiều lãnh đạo châu Âu tỏ ra thất vọng. Thủ tướng Ireland Micheál Martin gọi đề xuất thuế của ông Trump là “đáng lo ngại sâu sắc”; còn Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin khẳng định châu Âu vẫn theo đuổi giải pháp hòa bình, nhưng “sẵn sàng phản ứng cứng rắn”. Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof thì cho rằng đây chỉ là một phần của chiến lược đàm phán từ phía Mỹ, và khối EU “sẽ đánh giá một cách bình tĩnh, nhưng phản ứng một cách vững vàng”.
Theo ước tính từ Bloomberg Economics, mức thuế quan 50% với hàng hóa EU có thể có thể ảnh hưởng đến 321 tỷ USD giá trị thương mại giữa Mỹ và EU, khiến GDP của Mỹ giảm 0,6%, đồng thời làm tăng giá tiêu dùng thêm 0,3%. Hơn nữa, thuế quan sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ với các sản phẩm công nghệ cao và xe hơi nhập khẩu. Trong khi đó, gói thuế bổ sung của EU dự kiến sẽ nhắm vào các mặt hàng chủ lực của Mỹ như ô tô, máy bay, rượu và nông sản.
Ngoài ra, EU cũng đã tạm hoãn áp thuế trả đũa với thép và nhôm Mỹ trong 90 ngày, nhằm tạo không gian cho đàm phán. Tuy nhiên, sự thiếu nhất quán trong thông điệp từ Nhà Trắng – giữa các quan chức kinh tế ôn hòa và lập trường cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, khiến hy vọng về một giải pháp bền vững đang ngày càng mong manh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick thừa nhận rằng “một số cuộc đàm phán thương mại gần như là không thể”, đặc biệt là với EU do “một số quốc gia như Đức muốn thỏa thuận nhưng không có quyền tự quyết”.
Kết cục của căng thẳng lần này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hai nền kinh tế lớn, mà còn định hình lại trật tự thương mại toàn cầu trong thời gian tới.