![]() |
“Cơn sốt” kho ngoại quan tại Mỹ giữa biến động chính sách thuế. |
Trước những biến động khó lường từ chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump, các nhà nhập khẩu Mỹ đang chạy đua để thiết lập, hoặc chuyển đổi, kho hàng hiện có thành kho ngoại quan (bonded warehouses) – nơi hàng hóa nhập khẩu có thể lưu trữ mà chưa phải trả ngay thuế. Đây được xem là giải pháp tạm thời nhưng hiệu quả để duy trì dòng tiền, đồng thời giúp doanh nghiệp linh hoạt ứng phó trong giai đoạn thương mại toàn cầu nhiều biến động.
Mỹ hiện có hơn 1.700 kho ngoại quan, nơi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - vốn đang chịu mức thuế lên đến 30%, thậm chí từng chạm đỉnh 145% trong tháng 4/2025 - có thể được lưu giữ mà chưa cần nộp thuế ngay. Doanh nghiệp sẽ chỉ phải thanh toán thuế khi rút hàng ra để bán, cho phép họ kiểm soát dòng tiền và chi phí hiệu quả hơn trong bối cảnh chính sách thương mại không ngừng thay đổi.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu WarehouseQuote, giá thuê kho ngoại quan tại Mỹ hiện đã cao gấp 4 lần kho thông thường. Bên cạnh đó, việc nhiều địa điểm đã kín chỗ buộc các doanh nghiệp phải chờ đợi hoặc xin cấp phép mới từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP). Quá trình này có thể mất đến 6 tháng, dài gấp ba lần so với trước đây.
Bà Maggie Barnett, CEO của công ty logistics LVK Logistics tại Utah, cho biết đang chuyển đổi một kho thành kho ngoại quan “để ứng phó trực tiếp với thuế quan”, dù việc này dự kiến mất 3 – 4 tháng và tốn hàng chục ngàn USD, thậm chí có thể lên đến sáu con số tùy theo yêu cầu bảo mật và quy định của từng bang.
Việc sử dụng kho ngoại quan không giúp doanh nghiệp tránh được thuế, nhưng lại cho phép họ nộp thuế dần theo tiến độ tiêu thụ hàng hóa, thay vì phải thanh toán toàn bộ ngay khi hàng cập cảng.
Bà Cindy Allen – cựu lãnh đạo tại FedEx Logistics, hiện là chuyên gia tư vấn tại Trade Force Multiplier – nhận định: “Đây là công cụ hỗ trợ dòng tiền rất hiệu quả. Các doanh nghiệp không chỉ từ Trung Quốc mà cả nhà nhập khẩu Mỹ đều đang tận dụng phương án này”.
Thực tế, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách “chịu đựng” mức thuế cao trong thời gian dài. Nhưng với kinh nghiệm đó, giờ đây họ không muốn lặp lại sai lầm khi vừa phải trả thuế, vừa tốn chi phí chuyển nguồn cung ra khỏi Trung Quốc. “Họ rút ra bài học là phải linh hoạt hơn, đặc biệt khi chính sách có thể thay đổi sau 90 ngày”, bà Allen nói thêm.
CBP cũng xác nhận đang ghi nhận lượng đơn xin lập kho ngoại quan gia tăng đột biến, do các doanh nghiệp tìm cách tuân thủ các quy định mới và giảm thiểu chi phí phát sinh.
Tuy nhiên, rủi ro chính sách vẫn hiện hữu. Nhiều chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng nếu thuế quan bị dỡ bỏ hoặc điều chỉnh nhanh chóng, các khoản đầu tư lớn vào kho ngoại quan có thể trở thành gánh nặng.
![]() |
Khung cảnh bên trong một kho ngoại quan của CargoNest tại Florida, Hoa Kỳ (Ảnh: Reuters). |
Ông Vladimir Durshpek – đồng sáng lập công ty CargoNest tại Florida – cho biết ông đang cân nhắc mở thêm một kho ngoại quan thứ ba, nhưng vẫn do dự vì nguy cơ thay đổi chính sách đột ngột. Ông nói: “Chúng tôi không muốn vội vã mở rộng rồi sau đó rơi vào cảnh thừa công suất”.
Trong khi đó, chi phí để đạt được chứng nhận kho ngoại quan không hề nhỏ. Theo ông Chris Huwaldt – Phó Chủ tịch tại WarehouseQuote, chi phí này có thể dao động từ vài nghìn đến cả trăm nghìn USD, tùy thuộc vào vị trí địa lý, năng lực tài chính doanh nghiệp và yêu cầu an ninh đặc thù của từng bang. Ngoài ra, thời gian xử lý hồ sơ cũng bị kéo dài, khiến một số doanh nghiệp chậm nhịp so với nhu cầu thị trường.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia đều đồng thuận rằng trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn, phương án kho ngoại quan vẫn là “lá bài chiến lược” mà nhiều doanh nghiệp chọn để bảo toàn lợi nhuận và dòng tiền.
Theo ông Jacob Roseburrough, Giám đốc tiếp thị của WarehouseQuote: “Kho ngoại quan không phải giải pháp vĩnh viễn, nhưng trong môi trường chính sách bất định, đây là lựa chọn hợp lý để duy trì sức chống chịu của doanh nghiệp”.
![]() |
![]() |
![]() |