Sau hàng loạt vụ việc gây lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp, nổi bật là vụ tập đoàn y tế ARC Health bị hơn 1.600 cảnh sát từ tỉnh khác kéo về Quảng Châu để điều tra một khoản nghi vấn chỉ 600.000 nhân dân tệ, Trung Quốc đã chính thức ban hành Luật Thúc đẩy kinh tế tư nhân (PEPL), có hiệu lực từ ngày 20/5/2025. Đây là bộ luật đầu tiên của nước này dành riêng cho khu vực kinh tế tư nhân – lực lượng đóng góp hơn 60% GDP, 80% việc làm tại đô thị và 92% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
![]() |
Trung Quốc ban hành Luật Thúc đẩy kinh tế tư nhân |
Trong bối cảnh niềm tin vào môi trường đầu tư tại Trung Quốc suy giảm do các vụ trấn áp hành chính, PEPL được kỳ vọng sẽ thiết lập khung pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát hành vi lạm quyền của lực lượng thực thi pháp luật địa phương.
Theo đó, luật mới gồm 78 điều, trải rộng trên 9 chương, quy định rõ các biện pháp chống kiểm tra tùy tiện, xử phạt vô lý và hành vi vì thành tích mà gây tổn hại đến doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.
Ông Sebastian Wiendieck - chuyên gia pháp lý tại Rodl & Partner China - nhận định đây là “tín hiệu rõ ràng từ trung ương” gửi tới toàn bộ bộ máy hành chính và các doanh nghiệp nhà nước, cho thấy vai trò thiết yếu của khu vực tư nhân trong mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
Theo giới phân tích, việc ban hành PEPL là một bước đi tích cực, nhưng thách thức lớn nhất là thực thi, đặc biệt khi những hành vi “đánh bắt xa bờ” của lực lượng hành pháp địa phương đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho hàng nghìn doanh nghiệp, khiến nhiều công ty nhỏ buộc phải rút lui khỏi thị trường hoặc hủy kế hoạch IPO.
TS. Thiên Hiền - Phó Viện trưởng Trường Tài chính PBC thuộc Đại học Thanh Hoa - cho rằng, PEPL có tính “nền tảng và hệ thống” hơn so với các chính sách trước đây, đồng thời có giá trị pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Ông Tang Đại Kỳ - Viện Doanh nghiệp Trung Quốc - cũng nhấn mạnh, việc ban hành luật này là một bước tiến thực chất nhằm tạo môi trường thị trường minh bạch và bình đẳng hơn.
Một số doanh nghiệp tại Quảng Châu như G&G Smart Technology – chuyên sản xuất thiết bị nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) – bày tỏ kỳ vọng PEPL sẽ tạo ra các cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn, nhất là trong đăng ký sáng chế và tiếp cận tài chính dựa trên tài sản trí tuệ. “Hiện nay xin cấp bằng sáng chế có thể mất hơn một năm. Nếu có chính sách rút ngắn thời gian xử lý, doanh nghiệp sẽ bớt lo bị sao chép khi tung sản phẩm ra thị trường”, đại diện công ty chia sẻ.
![]() |
Các nhà cung cấp đồ gia dụng tại một hội chợ điện tử ở Quảng Châu ngày 15/4/2025. Ảnh: AP |
Đáng chú ý, luật mới của chính quyền Trung Quốc cũng đặt kỳ vọng vào việc trao thêm thẩm quyền cho các hiệp hội ngành nghề và phòng thương mại, vốn trước đây chủ yếu đóng vai trò trung gian truyền tải thông tin. Các tổ chức này được khuyến khích tham gia soạn thảo tiêu chuẩn ngành, giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia nghi ngờ rằng các tổ chức này có thể hoạt động thực sự độc lập, khi mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền vẫn là một rào cản. Theo bà Vương Đan - Giám đốc khu vực Trung Quốc của Eurasia Group, tính hiệu quả của luật mới “sẽ phụ thuộc vào việc các tổ chức này có trở thành đại diện thực sự cho doanh nghiệp hay chỉ là cánh tay nối dài của bộ máy công quyền”.
Trong khi đó, TS. Thiên Hiền cho rằng nếu trao quyền thực sự, các hiệp hội này có thể giúp giảm can thiệp hành chính, nâng cao năng lực tự điều chỉnh của thị trường, và cải thiện dòng thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp và chính phủ.
Dù PEPL mang lại kỳ vọng lớn, giới chuyên môn đồng thuận rằng hiệu quả thực sự sẽ chỉ được kiểm chứng khi các vụ kiện hành chính đầu tiên được tiến hành dựa trên luật này. Theo ông Tang Đại Kỳ, một vụ kiện điển hình có thể trở thành “thuốc thử” cho sức mạnh pháp lý và mức độ cam kết cải cách của chính phủ.
Dẫu vậy, các hành vi lạm quyền lâu năm, sự thiếu công bằng trong tiếp cận vốn và phân biệt đối xử với khu vực tư nhân vẫn là rào cản thực tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc. Như bà Vương Đan cảnh báo: “Nếu không có việc thực thi nhất quán và cơ chế giám sát chặt chẽ, luật này sẽ chỉ mang tính biểu tượng. Niềm tin không thể hồi phục nếu ranh giới giữa Nhà nước và thị trường không được thiết lập rõ ràng”.
Luật Thúc đẩy kinh tế tư nhân của Trung Quốc nhằm củng cố vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, vốn chiếm hơn 60% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một số điểm cốt lõi của luật này bao gồm: Bảo vệ pháp lý, cấm phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận vốn, đất đai, dự án; giảm rào cản, mở rộng cơ hội tham gia các ngành then chốt (công nghệ, hạ tầng) và hỗ trợ vay vốn; chống tham nhũng, siết chặt xử lý hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân; khuyến khích đổi mới, ưu đãi thuế cho startup, doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. |