![]() |
Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế. |
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa bất ngờ hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR), đánh dầu lần cắt giảm đầu tiên trong năm 2025. Cùng thời điểm, nhóm năm ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc cũng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi, phản ánh bước đi rõ ràng trong nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm trợ lực cho nền kinh tế đang đối mặt với nhiều áp lực của Bắc Kinh.
Theo thông báo chính thức, LPR kỳ hạn 1 năm được giảm 10 điểm cơ bản xuống còn 3,0%, trong khi LPR kỳ hạn 5 năm, vốn ảnh hưởng đến lãi suất thế chấp, cũng giảm tương đương, xuống 3,5%. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc cải tổ cơ chế định giá LPR vào năm 2019. Động thái này được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng tín dụng, thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng – những trụ cột đang bị suy yếu rõ rệt trong bối cảnh niềm tin thị trường còn mong manh.
Tuy nhiên, quy mô điều chỉnh được đánh giá là vẫn khá dè dặt. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang chọn cách tiếp cận thận trọng, vừa kích thích kinh tế, vừa bảo vệ biên lợi nhuận đang ngày càng co hẹp của hệ thống ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ - Trung chưa hoàn toàn lắng dịu, sự thận trọng này phần nào phản ánh tâm lý chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn từ môi trường bên ngoài.
Ngay sau thông báo của PBOC, các ngân hàng như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc đã đồng loạt cập nhật biểu lãi suất mới, giảm từ 5 đến 25 điểm cơ bản ở một số kỳ hạn tiền gửi. Đây là lần giảm lãi suất thứ ba kể từ đầu năm 2023, và được cho là sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến toàn bộ hệ thống ngân hàng, nhất là nhóm ngân hàng thương mại nhỏ hơn.
Việc giảm lãi suất huy động không chỉ nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng giảm chi phí vốn, mà còn là bước đi cần thiết trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận (NIM) toàn ngành đang chạm mức thấp kỷ lục. Theo số liệu chính thức, NIM trong quý I/2025 đã rơi xuống còn 1,43% – mức thấp chưa từng có, phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt trong việc giữ chân khách hàng giữa lúc nhu cầu tín dụng tại Trung Quốc còn yếu.
Theo các chuyên gia, biên lợi nhuận của ngành ngân hàng Trung Quốc có thể tiếp tục thu hẹp thêm 10-15 điểm cơ bản trong năm nay. Trong khi đó, lợi nhuận quý đầu năm của các "ông lớn" ngân hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ, đặt ra thách thức lớn cho hệ thống tài chính khi phải đồng thời gánh vác cả vai trò hỗ trợ nền kinh tế thực.
Ông Marco Sun, chuyên gia phân tích thị trường tài chính tại MUFG Bank (Trung Quốc), nhận định động thái lần này của PBOC mang tính "chủ động phòng ngừa", giúp tạo đà cho tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn còn nhiều bất ổn.
![]() |
LPR kỳ hạn 1 năm được giảm 10 điểm cơ bản xuống còn 3,0%, trong khi LPR kỳ hạn 5 năm, vốn ảnh hưởng đến lãi suất thế chấp, cũng giảm tương đương, xuống 3,5% (Ảnh: Reuters). |
Mặc dù các định chế tài chính quốc tế gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh và Washington đồng thuận "tạm ngừng leo thang" căng thẳng thương mại trong 90 ngày, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%" của quốc gia này trong năm nay.
Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng tại Nomura, cảnh báo rằng nếu không có thêm các gói kích thích quy mô lớn, mục tiêu này sẽ rất khó đạt được. Ông cũng cho rằng, với khoảng lặng tạm thời trong cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh có thể tạm thời không chịu áp lực buộc phải tung ra các cải cách hay biện pháp kích thích quyết liệt hơn.
Thực tế cho thấy, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô gần đây của Trung Quốc vẫn đang phát đi tín hiệu tiêu cực. Thị trường bất động sản, vốn là đầu kéo quan trọng, vẫn tiếp tục trầm lắng khi giá nhà mới không thay đổi trong tháng 4/2025, đánh dấu gần hai năm không tăng trưởng. Dòng vốn tín dụng cũng giảm mạnh hơn dự kiến, phản ánh tâm lý thận trọng của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Dù mức độ cắt giảm lãi suất lần này chưa đủ để tạo ra cú hích lớn, nhưng giới quan sát nhận định đây là bước mở đầu cho chu kỳ nới lỏng chính sách mới của Bắc Kinh. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cao, chính sách tiền tệ linh hoạt của Trung Quốc có thể giúp nước này duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, và tăng cường vị thế địa chính trị toàn cầu.