![]() |
Doanh nghiệp Trung Quốc thúc đẩy tìm thị trường thay thế Mỹ. |
Dù Bắc Kinh và Washington vừa đạt được một thỏa thuận tạm ngừng leo thang căng thẳng thương mại tại Thụy Sĩ, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc vẫn không thay đổi chiến lược: tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Theo khảo sát mới nhất từ Allianz Trade trên 4.500 doanh nghiệp tại nhiều nền kinh tế lớn, có tới 95% doanh nghiệp Trung Quốc được hỏi đang lên kế hoạch hoặc đã chủ động mở rộng xuất khẩu sang các thị trường ngoài Mỹ.
Cuộc chiến thuế quan kéo dài trong nhiều năm qua đã để lại “vết sẹo” khó lành trên chuỗi cung ứng và tâm lý kinh doanh. Allianz Trade nhận định rằng kịch bản “tách rời” (decoupling) giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng trở nên rõ ràng, khi không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách chuyển hướng, mà cả các tập đoàn Mỹ cũng đẩy mạnh việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Tuy việc tạm hoãn áp thuế giúp tạo “thời gian vàng” cho hoạt động giao thương trong ngắn hạn, nhiều nhà xuất khẩu cho rằng đây chỉ là giải pháp nhất thời. Thuế quan thương mại có trọng số của Mỹ với hàng Trung Quốc hiện vẫn ở mức 39%, cao gần gấp ba lần mức trước nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump (13%), theo ước tính của Allianz Trade. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp dự đoán kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sẽ sụt giảm trong năm nay, bất chấp nỗ lực “chạy đơn hàng” trước khi hết thời hạn 90 ngày tạm hoãn.
Trong bối cảnh rủi ro từ thị trường Mỹ ngày càng tăng cao, các khu vực như Đông Nam Á đang trở thành điểm đến ưu tiên cho chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Trung Quốc.
Báo cáo từ Economist Intelligence Unit cho biết, thành phố cảng Ninh Ba – nơi có lượng hàng hóa qua cảng lớn thứ hai Trung Quốc – đang chứng kiến làn sóng mạnh mẽ các doanh nghiệp lên kế hoạch “toàn cầu hóa” thay vì chỉ tập trung xuất khẩu sang Mỹ.
Indonesia được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất, nhờ quy mô thị trường lớn và chính sách hỗ trợ đầu tư tích cực. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là lựa chọn đáng chú ý, nhưng một số doanh nghiệp Trung Quốc tỏ ra thận trọng do lo ngại về chi phí gia tăng, dù lực lượng lao động người Việt được đánh giá cao về trình độ tay nghề và năng suất.
Chiến lược chuyển hướng thị trường không chỉ nhằm tránh rủi ro thuế quan, mà còn là một phần trong quá trình tái cấu trúc sản xuất toàn cầu hậu đại dịch. Theo Allianz Trade, việc quá phụ thuộc vào một thị trường lớn như Mỹ đã bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt khi căng thẳng địa chính trị có thể thay đổi chính sách thương mại chỉ sau một đêm.
Trong báo cáo cùng kỳ, Allianz Trade cũng đưa ra cảnh báo rằng xuất khẩu toàn cầu có thể mất tới 305 tỷ USD trong năm 2025, do tác động từ các cuộc chiến thương mại kéo dài trên nhiều mặt trận. Mặc dù con số này nhỏ hơn nhiều so với tổng giá trị thương mại toàn cầu năm 2023 (khoảng 33 nghìn tỷ USD theo Liên Hợp Quốc), nhưng tổn thất này cho thấy mức độ bất ổn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong môi trường thương mại đầy biến động.
Trong khi Mỹ tiếp tục thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc và Anh, các cuộc đàm phán với nhiều đối tác thương mại truyền thống khác lại đang đình trệ. Điều này càng thúc đẩy doanh nghiệp phải chủ động hơn trong chiến lược phân bổ rủi ro thị trường.
Ông Tianchen Xu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, nhận định rằng trạng thái “đình chiến” hiện tại không đủ để khôi phục niềm tin dài hạn, nhất là khi cả hai bên đều chưa đưa ra cam kết thực chất về việc cải tổ hệ thống thuế quan, hay xây dựng lại lòng tin thương mại.
Ông Xu cho rằng: “Các doanh nghiệp đang hành động theo thực tế, chứ không chỉ dựa vào tín hiệu chính trị”.
![]() |
![]() |
![]() |