Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp nhận được thông tin quan trọng nhất trong mùa hè năm nay: Liệu chính sách áp thuế diện rộng của Tổng thống Donald Trump có đang bắt đầu đẩy lạm phát gia tăng rõ rệt?
![]() |
Nỗi lo lạm phát của Fed có khả năng quay trở lại |
Theo lịch, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 vào lúc 8h30 sáng thứ Ba 15/7 (19h30 cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Giới kinh tế học kỳ vọng chỉ số CPI lõi (không bao gồm biến động giá thực phẩm và năng lượng) sẽ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của tháng 5/2025. Nếu điều này thành hiện thực, chỉ số PCE – thước đo lạm phát ưa thích của Fed, có thể tiếp tục vượt xa mục tiêu 2%, buộc Fed phải duy trì lãi suất cơ bản trong vùng 4,25% – 4,50% sau cuộc họp chính sách ngày 29–30/7 tới.
Dù các vòng áp thuế của ông Trump chưa tạo ra ảnh hưởng rõ rệt đến giá tiêu dùng, các chuyên gia cảnh báo điều đó có thể đang thay đổi. Khi lượng hàng tồn kho nhập khẩu trước thuế dần hết và doanh nghiệp cạn kiệt biện pháp giảm chi phí, áp lực tăng giá sẽ khó tránh khỏi.
Ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, nhận định: “Chúng ta đều biết lạm phát phản ứng có độ trễ. Các doanh nghiệp có nhiều cách để kiểm soát chi phí nhập khẩu, nhưng giờ là lúc hiệu ứng thực sự bắt đầu lan rộng”.
Theo đó, ông Daco đặc biệt lưu ý nhóm hàng gia dụng, một lĩnh vực từng giảm giá trong thời gian dài, nhưng đã đảo chiều kể từ hồi đầu năm nay. Một số nhà phân tích khác chỉ ra nhóm “hàng hóa giải trí” như đồ chơi và thiết bị nghe nhìn, vốn thường được nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng đang ghi nhận giá bán tăng trở lại.
Ông Omair Sharif, Giám đốc công ty nghiên cứu Inflation Insights, nhận định đây là những tín hiệu ban đầu cho thấy tác động truyền dẫn từ thuế quan đang bắt đầu lan tới người tiêu dùng.
Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Fed có thể nối lại chu kỳ giảm lãi suất vào tháng 9/2025. Tuy nhiên, mức tăng của CPI lên 3% trong tháng 6/2025 (nếu được xác nhận) nhiều khả năng sẽ “xóa sạch” cơ hội để Fed hạ lãi suất ngay trong tháng 7 này, theo đánh giá của ông Samuel Tombs, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics.
Từ phía các nhà hoạch định chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nhận định tại cuộc họp tháng 6 rằng ông đang theo dõi kỹ phản ứng của lạm phát đối với thuế quan – đặc biệt trong nhóm hàng điện tử. “Chúng tôi bắt đầu thấy dấu hiệu và kỳ vọng xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong vài tháng tới”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Michael Feroli, Kinh tế trưởng tại JP Morgan, ước tính rằng nếu toàn bộ mức thuế mới được chuyển vào giá bán, chỉ số PCE có thể tăng thêm 0,4 điểm phần trăm. Dù với tỷ lệ truyền dẫn không hoàn hảo, con số thực tế có thể dao động từ 0,2–0,3 điểm phần trăm, và vẫn đủ để Fed thận trọng hơn với các động thái nới lỏng.
Một yếu tố khác khiến Fed phải lo lắng là tính không ổn định của chính sách thuế. Mức thuế 30% với hàng hóa từ EU, Mexico và Canada hiện vẫn đang nằm trong diện đe dọa. Nhiều mặt hàng như ô tô và kim loại công nghiệp đã bị áp thuế cao, và các hành động tiếp theo của Tổng thống Trump được đánh giá là khó lường.
Theo đó, sự thiếu chắc chắn về định hướng thuế quan, cùng khả năng ông Trump có thể áp mức thuế cao hơn dự kiến, đang khiến Fed phải duy trì thế “phòng thủ chính sách”.
Tổng thống Donald Trump lâu nay đã chỉ trích Chủ tịch Powell vì chưa hạ lãi suất mạnh tay, viện dẫn rằng các mức thuế chưa đẩy lạm phát lên như Fed lo ngại. Tuy nhiên, nếu CPI tháng 6/2025 xác nhận xu hướng tăng giá rõ rệt, lập luận của ông chủ Nhà Trắng có thể không còn sức nặng.
Ngoài ra, dữ liệu kinh tế Mỹ tháng 6 chỉ là bước khởi đầu. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo chỉ số PCE lõi có thể tăng lên 3,1% vào cuối năm 2025, vượt xa mục tiêu của Fed. Nếu lạm phát tiếp tục vượt kiểm soát trong các tháng tới, kế hoạch giảm lãi suất có thể sẽ phải lùi lại hoặc thậm chí bị hủy bỏ.
“Chúng ta bước vào giai đoạn mà mỗi báo cáo CPI có thể thay đổi hoàn toàn cục diện chính sách tiền tệ”, một nhà phân tích Phố Wall bình luận.
![]() |
![]() |
![]() |