Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách kéo dài trong hai ngày 29 – 30/7. Tuy nhiên, nội bộ Fed đang xuất hiện những dấu hiệu bất đồng rõ rệt khi áp lực cắt giảm lãi suất ngày càng tăng – đặc biệt là từ Tổng thống Donald Trump và các quan chức do ông bổ nhiệm.
![]() |
Fed và cuộc họp “nảy lửa” giữa áp lực cắt giảm lãi suất |
Các nhà hoạch định chính sách vẫn đang chờ thêm dữ liệu kinh tế, đặc biệt là tác động của chính sách thuế quan đối với giá tiêu dùng, trước khi điều chỉnh lãi suất. Trong khi đó, thị trường tài chính đang đặt cược rằng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất từ tháng 9 tới.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Sarah House tại Wells Fargo nhận định: “Chúng tôi chưa thấy sự thay đổi chính thức trong chính sách, nhưng có thể nhận thấy dấu hiệu Fed đang ở bước ngoặt. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên vẫn thận trọng vì chưa rõ lạm phát sẽ phản ứng thế nào với các mức thuế mới”.
Đáng chú ý, hai quan chức cấp cao do ông Trump bổ nhiệm – Thống đốc Christopher Waller và Phó Chủ tịch Giám sát Michelle Bowman – được cho là có thể bỏ phiếu phản đối nếu Fed không hạ lãi suất. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1993 có hai thành viên Hội đồng Thống đốc cùng bất đồng trong một cuộc họp chính sách.
Theo đó, ông Waller gần đây cho rằng thị trường lao động Mỹ đang “trên bờ vực” và Fed nên hành động sớm để hỗ trợ việc làm. Trong khi đó, bà Bowman tuyên bố hồi tháng 6 rằng bà sẽ ủng hộ giảm lãi suất ngay từ tháng 7 nếu áp lực giá vẫn yếu.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích như Michael Feroli từ ngân hàng JPMorgan Chase lại cho rằng các bất đồng có thể liên quan đến “quá trình thử vai cho chức chủ tịch Fed”, thay vì khác biệt về quan điểm kinh tế.
Chuyên gia Diane Swonk của KPMG cho rằng những cuộc tranh luận nội bộ như vậy thường xuất hiện khi Fed chuẩn bị chuyển hướng chính sách. “Sự bất đồng là điều bình thường khi Fed tiến gần đến quyết định cắt giảm lãi suất, đặc biệt khi chưa rõ tác động của thuế quan sẽ đi đến đâu”, bà nhận định.
Theo giới phân tích, việc Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 7 là điều gần như chắc chắn. Tuy nhiên, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào các tín hiệu mà ông Powell sẽ đưa ra trong cuộc họp báo sau đó; liệu ông có “mở cửa” cho một đợt giảm lãi suất vào tháng 9 hay không.
Khi Fed họp trở lại vào giữa tháng 9 (ngày 16–17/9), các quan chức sẽ có thêm hai báo cáo việc làm, cùng dữ liệu mới về chi tiêu, giá tiêu dùng và thị trường nhà đất. Nếu không có bất ngờ lớn từ lạm phát hoặc thuế quan, nhiều chuyên gia như Andrzej Skiba (RBC Global Asset Management) dự đoán Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất từ thời điểm đó.
Công ty Natixis dự báo Fed sẽ nối lại chu kỳ nới lỏng vào tháng 10, và tiếp tục giảm lãi suất từng bước đến giữa năm 2026.
Bên cạnh yếu tố kinh tế, Chủ tịch Powell còn đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng. Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích Fed vì chưa hạ lãi suất, và gần đây còn đích thân tới thị sát công trình cải tạo trụ sở ngân hàng trung ương trị giá 2,5 tỷ USD – động thái bị coi là gây áp lực gián tiếp lên Fed.
Dù vậy, ông Powell được cho là sẽ tiếp tục giữ lập trường trung lập và nhấn mạnh vai trò của Fed là duy trì ổn định giá cả, khi lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2%.
Ông Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, cho rằng ông Powell có thể đề cập đến những yếu tố kỹ thuật, giải thích vì sao tác động của thuế quan đến giá cả chưa rõ ràng, nhưng sẽ giữ thông điệp “kiên định và cân bằng”.
![]() |
![]() |
![]() |