Sau cú lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1973 trong nửa đầu năm 2025, chỉ số đo sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt (DXY) đã tăng trở lại 1,6% tính đến giữa tháng 7/2025 – mở ra khả năng phục hồi trong tháng đầu tiên của năm nay.
![]() |
Đồng USD phục hồi khi kinh tế Mỹ vững vàng, dù thuế quan leo thang |
Sự phục hồi của đồng USD diễn ra trong bối cảnh nhiều chỉ số kinh tế Mỹ đã vượt kỳ vọng, làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ, bất chấp sức ép liên tục từ Nhà Trắng.
Theo ông Lee Hardman, chuyên gia phân tích tiền tệ cấp cao tại MUFG, cho biết: “Kinh tế Mỹ và thị trường lao động đang chống chọi tốt hơn nhiều so với lo ngại ban đầu, cho phép Fed giữ nguyên lãi suất bất chấp áp lực từ chính quyền của ông Trump”.
Thực tế, báo cáo gần đây cho thấy Mỹ đã tạo thêm 147.000 việc làm trong tháng 6/2025, một con số cao hơn dự kiến và cho thấy thị trường lao động gần như không bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, lạm phát tháng 6 tại Mỹ cũng vượt ngưỡng dự báo, đạt 2,7% tính theo năm – một con số đủ để các quan chức Fed có lý do duy trì lập trường "kiên nhẫn" với việc cắt giảm lãi suất.
Giới đầu tư trên thị trường hợp đồng tương lai hiện chỉ còn dự đoán một đến hai lần hạ lãi suất thêm trong năm nay, giảm so với kỳ vọng hai đến ba lần hồi đầu tháng này. Theo các chuyên gia tại Brown Brothers Harriman, “Fed sẽ không vội nới lỏng hơn nữa” với bức tranh kinh tế hiện tại.
Tuy nhiên, những rủi ro cũ vẫn hiện hữu. Những đòn công kích liên tục của ông Trump vào tính độc lập của Fed vẫn có thể làm suy yếu niềm tin vào đồng bạc xanh, trong khi hạn chót đầu tháng 8 cho các gói thuế quan mới của Mỹ vẫn treo lơ lửng, nếu các thỏa thuận thương mại không đạt được.
Dù vậy, ngay cả những người đang giữ quan điểm giảm giá USD cũng thừa nhận rằng một đợt hồi phục ngắn hạn là điều hợp lý, sau chuỗi lao dốc kéo dài. “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tiêu cực với đồng USD trong trung hạn, nhưng rủi ro về một đợt tăng mùa hè đang gia tăng”, theo Bank of America.
![]() |
Chỉ số DXY đã tăng trở lại 1,6% tính đến giữa tháng 7/2025 – mở ra khả năng phục hồi trong tháng đầu tiên của năm nay (Ảnh: Trading Economics) |
Một số nhà phân tích khác lại cho rằng USD có thể hồi phục mạnh hơn, nếu thị trường bắt đầu tập trung nhiều hơn vào đà tăng trưởng kinh tế nội địa Mỹ – vốn đang được hỗ trợ bởi các chính sách cắt giảm thuế và kích thích tài khóa từ Washington.
Ông Flavio Figueiredo, người đứng đầu mảng ngoại hối toàn cầu tại Citi, nhận định rằng “làn sương mù bất định” từ cuộc chiến thương mại sẽ dần tan biến, mở đường cho các yếu tố tăng trưởng phát huy hiệu quả. “Tất cả những điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng tại Mỹ. Tôi nghĩ điều đó sẽ tích cực cho đồng USD”, ông nói.
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, sức mạnh từng giúp đồng euro vượt mốc 1,18 USD trong nửa đầu năm nay đã giảm sút rõ rệt. Các phát ngôn gần đây từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bày tỏ lo ngại về đồng euro quá mạnh đã tác động tiêu cực đến tỷ giá. Đồng thời, đe dọa áp thuế 30% lên hàng hóa EU từ phía ông Trump cũng đang phủ bóng lên triển vọng của đồng tiền chung.
Dữ liệu từ sàn giao dịch phái sinh CME Group cho thấy khối lượng quyền chọn bán đồng euro – tức đặt cược vào việc đồng tiền này giảm giá so với USD, đã vượt qua quyền chọn mua trong tháng 7/2025. Đây là sự đảo chiều so với giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6, khi nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào đà tăng giá của euro.
Ông Francesco Pesole, chiến lược gia ngoại hối tại ING, cho rằng: “Thị trường từng kỳ vọng euro sẽ tiến tới 1,20 USD, dựa trên các tín hiệu suy yếu từ kinh tế Mỹ để đặt cược vào khả năng Fed sẽ 'bồ câu' hơn”. Tuy nhiên, ông Pesole nhận định “dữ liệu gần đây đã đi ngược lại với kỳ vọng đó”.
![]() |
![]() |
![]() |