![]() |
Trung Quốc cân nhắc nối lại đàm phán thương mại với Mỹ. |
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Sáu (2/5) cho biết nước này đang "đánh giá khả năng" khởi động đàm phán thương mại với Mỹ, đánh dấu tín hiệu tích cực đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump gia tăng thuế quan nhập khẩu hồi tháng trước. Đây có thể là bước đi mở màn cho tiến trình giảm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau nhiều tuần leo thang thuế quan và đòn đáp trả lẫn nhau.
Theo tuyên bố được đưa ra, phía Trung Quốc đã ghi nhận tín hiệu từ các quan chức cấp cao của Mỹ thể hiện mong muốn nối lại đối thoại với Bắc Kinh, và kêu gọi Washington thể hiện “sự chân thành” trong các bước tiếp theo. Cụ thể, tuyên bố nêu rõ: “Mỹ gần đây đã thông qua một số bên để gửi tín hiệu muốn khởi động đàm phán thương mại với Trung Quốc. Chúng tôi đang tiến hành đánh giá”.
Thông tin này ngay lập tức đã tác động đến thị trường tài chính, đặc biệt là ở châu Á. Chỉ số tương lai S&P 500 đã xóa sạch mức giảm đầu phiên, trong khi chỉ số Hang Seng của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng hơn 1%. Đồng nhân dân tệ giao dịch ngoài Trung Quốc tăng khoảng 0,3%, trong khi đô la Úc – đồng tiền được coi là chỉ báo cho kinh tế Trung Quốc – cũng mở rộng đà tăng.
Tuyên bố của Bắc Kinh đến sau khi Tổng thống Trump nâng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức cao nhất trong một thế kỷ qua, khiến nước này đáp trả tương ứng và đưa quan hệ song phương vào giai đoạn căng thẳng nhất kể từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Tuy nhiên, áp lực kinh tế từ thương chiến đang khiến cả hai bên phải tìm kiếm lối thoát. Nền kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý đầu tiên của năm 2025, phần lớn do nhập khẩu tăng vọt nhằm tránh các mức thuế mới, kéo theo sự sụt giảm niềm tin tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc chứng kiến chỉ số PMI sản xuất rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2023, còn đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh nhất kể từ năm 2022.
Giáo sư John Gong, chuyên gia từ Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Bắc Kinh, nhận định động thái mới này là dấu hiệu có sự chỉ đạo “từ cấp cao nhất của Trung Quốc”, nhằm chuẩn bị cho đàm phán. “Họ đang thảo luận nghiêm túc về người dẫn dắt đàm phán, chiến lược tiếp cận và cách ứng xử với Washington”, ông Gong nói với Bloomberg.
Bên cạnh việc để ngỏ cánh cửa đối thoại, Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng Washington cần “sửa chữa các sai lầm”, đặc biệt là việc áp thuế đơn phương, nếu thực sự muốn khôi phục lòng tin.
Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố: “Nếu đánh thì sẽ đánh đến cùng; nếu đàm phán thì cửa vẫn mở”. Tuy nhiên, “nếu Mỹ không thể sửa đổi các biện pháp thuế đơn phương thì điều đó thể hiện sự thiếu chân thành và sẽ làm tổn hại thêm niềm tin giữa hai bên”.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump vừa tạo nên bất ngờ khi bổ nhiệm Ngoại trưởng Marco Rubio kiêm nhiệm vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia tạm thời, thay cho ông Michael Waltz – người được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Ngoại trưởng Rubio từng bị Trung Quốc trừng phạt, và được xem là người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, đặc biệt về vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News, ông Marco Rubio cho biết Trung Quốc “muốn có một thỏa thuận ngắn hạn”, vì đang chịu tổn thất lớn từ các biện pháp thuế quan.
Dù vậy, các nhà quan sát cho rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ không làm thay đổi hướng đi của đàm phán, bởi vai trò trung tâm vẫn thuộc về Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick và Tổng thống Trump. Cựu Thứ trưởng Thương mại Mỹ Frank Lavin dự đoán một cuộc đàm phán nào đó sẽ bắt đầu “trong vài ngày tới”, vì “cả hai bên đều muốn hạ nhiệt căng thẳng, dù chưa chắc đạt được giải pháp toàn diện”.