![]() |
Các thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nhà Trắng có thể trở thành “khuôn mẫu”. |
Ông John Waldron, Chủ tịch của ngân hàng Goldman Sachs, mới đây đã nhận định rằng những thỏa thuận thương mại đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình phản ứng của thị trường tài chính toàn cầu, và có thể trở thành khuôn mẫu cho các chính sách trong tương lai.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, ông Waldron cho biết thị trường đang ở trong trạng thái “căng thẳng tột độ” trước các diễn biến đàm phán thương mại, vốn có thể xác định quan điểm của nhà đầu tư về chính sách thuế quan của chính quyền hiện tại.
Trong tháng Tư vừa qua, Phố Wall đã chứng kiến mức độ biến động cao chưa từng thấy kể từ đầu năm 2025. Giới đầu tư hiện đang chia rẽ giữa một bên tin rằng các thỏa thuận thương mại sẽ mở đường cho một cuộc tái cơ cấu kinh tế tích cực tại Mỹ, và bên còn lại lo ngại rằng chính sách thuế quan có thể kéo nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Ông John Waldron cho rằng, dù kết quả cuối cùng của các đàm phán là gì, thì “nó sẽ có tính chất định hình”, và khả năng cao sẽ được sử dụng như mô hình tiêu chuẩn để soạn thảo các hiệp định khác trong tương lai. “Nó có thể là tín hiệu tích cực, hoặc không, nhưng chắc chắn sẽ mang tính khuôn mẫu”, ông nói.
Tổng thống Mỹ hiện đang thực hiện lệnh tạm hoãn, kéo dài 90 ngày, đối với một loạt mức thuế quan quy mô lớn đã công bố ngày 2/4, nhằm tạo không gian cho các cuộc đàm phán song phương giữa Washington và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Ngoài ra, theo ông Waldron, kỳ vọng của thị trường hiện dồn về việc các thỏa thuận sơ bộ sẽ đạt được trước kỳ nghỉ Lễ Lao động của Mỹ (1/9), từ đó giảm thiểu đáng kể rào cản thương mại và thuế quan đối ứng. Trong kịch bản lạc quan, Chủ tịch của Goldman Sachs cho rằng “chúng ta sẽ không phải tranh luận về thương mại nữa sau Ngày Lao động”.
Bên cạnh đó, sau thương mại, ông dự đoán mối quan tâm chính của thị trường sẽ chuyển sang vấn đề tài khóa và tiến trình lập ngân sách của Quốc hội Mỹ trong những tháng tiếp theo, sau khi một bản nghị quyết ngân sách đã được thông qua gần đây.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay lại đi theo hướng hoàn toàn khác với kỳ vọng ban đầu của giới tài chính. Trong khi nhiều lãnh đạo ngân hàng Phố Wall từng lạc quan về viễn cảnh cải cách thuế và nới lỏng quy định hành chính để thúc đẩy tăng trưởng, thì thực tế lại chứng kiến sự ưu tiên mạnh mẽ cho các chính sách thuế quan, làm lu mờ các chính sách hỗ trợ kinh tế khác.
![]() |
Ông John Waldron, Chủ tịch của ngân hàng Goldman Sachs. |
Chủ tịch Goldman Sachs thừa nhận rằng chính sự không chắc chắn về chính sách đã khiến các doanh nghiệp ngần ngại đưa ra quyết định lớn, liên quan đến chiến lược vận hành hoặc đầu tư. “Hầu hết các công ty đều giữ nguyên hiện trạng vì họ cho rằng trong 90 ngày nữa sẽ có thêm thông tin rõ ràng”, ông Waldron nói.
Mặc dù hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) và phát hành vốn có phần chững lại vì tâm lý e dè, các bộ phận giao dịch của ngân hàng lại hưởng lợi từ biến động thị trường. Theo Chủ tịch Waldron, thị trường đang “trở lại trạng thái bình thường, dù vẫn còn nhiều lo ngại về triển vọng tăng trưởng”.
Với vai trò là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại phố Wall, nhận định của ông John Waldron không chỉ phản ánh quan điểm nội bộ của Goldman Sachs, mà còn là chỉ dấu cho thấy tâm lý chờ đợi và thận trọng vẫn đang bao trùm toàn bộ thị trường tài chính Mỹ trước thềm các quyết định thương mại chiến lược từ Nhà Trắng.