![]() |
Vàng trở thành "cứu tinh" khi USD và trái phiếu Mỹ mất dần sức hút. |
Trong bối cảnh các tài sản truyền thống của Mỹ, như trái phiếu chính phủ và đồng USD, liên tục mất giá, giới đầu tư toàn cầu đang chuyển hướng sang vàng – kênh trú ẩn truyền thống được xem là an toàn và trung lập trong thời kỳ bất ổn chính trị, kinh tế.
Theo dữ liệu mới nhất, giá vàng thế giới đã chạm mốc 3.500 USD/ounce trong phiên giao dịch hôm thứ Ba (22/4), đánh dấu mức cao kỷ lục mới và cho thấy đà tăng mạnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngân hàng J.P. Morgan thậm chí dự báo giá vàng có thể đạt trung bình 3.675 USD/ounce vào quý IV/2025, và tiến tới 4.000 USD vào giữa năm 2026.
![]() |
Giá vàng thế giới đã chạm mốc cao kỷ lục 3.500 USD/ounce vào thứ Ba (22/4), tuy nhiên dư địa tăng tiếp vẫn rất lớn đối với kim loại quý này (Ảnh: Tradingview). |
Theo ông Vivek Dhar, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa của Commonwealth Bank of Australia, sự dịch chuyển này xuất phát từ những thay đổi mang tính "địa chấn" trong chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump. Khi niềm tin vào đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ suy giảm, vàng đã “lấp vào khoảng trống” và trở thành tài sản trú ẩn được ưa chuộng nhất trên thị trường.
Thông thường, khi lợi suất trái phiếu tăng, vàng sẽ giảm giá do không mang lại lợi tức. Tuy nhiên, mối tương quan này đang “gãy đổ” khi nhà đầu tư không còn nhìn thấy sự an toàn ở trái phiếu Mỹ – dù lợi suất kỳ hạn 30 năm đã tăng vọt hơn 30 điểm cơ bản chỉ trong một tuần sau tuyên bố đánh thuế đối ứng của ông Trump. Trong khi đó, chỉ số USD Index (DXY) đã giảm 8% từ đầu năm đến nay.
Ông John Reade, chiến lược gia thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), khẳng định niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, và những trụ cột truyền thống như USD hay trái phiếu đang "mất dần ánh hào quang". Dù không thể gọi đây là "cái chết của đồng USD", nhưng sự lung lay trong tâm lý nhà đầu tư là điều không thể phủ nhận.
![]() |
Chỉ số USD Index (DXY) đã giảm 8% từ đầu năm đến nay (Ảnh: Tradingview). |
Ông Michael Ryan, giảng viên tài chính tại Đại học Waikato, lý giải rằng vàng đang phát huy thế mạnh truyền thống là công cụ phòng ngừa lạm phát. Khi các biện pháp thuế quan được dự báo sẽ đẩy chi phí tiêu dùng tại Mỹ tăng lên, lo ngại về lạm phát càng thúc đẩy nhà đầu tư tìm tới vàng như một hàng rào bảo vệ tài sản. Không giống như trái phiếu hay tiền tệ, vàng không mang rủi ro tín dụng, và cũng không chịu sự chi phối trực tiếp bởi các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ.
Ông Alexander Zumpfe, nhà giao dịch kim loại quý tại Heraeus, nhấn mạnh rằng chính tính chất "phi chính trị" và "không phụ thuộc quốc gia" đã khiến vàng trở nên đặc biệt hấp dẫn trong thời điểm hiện tại.
Đồng thời, khi đồng USD yếu đi, các tài sản định giá bằng USD như vàng trở nên rẻ hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, làm gia tăng lực cầu toàn cầu.
Một xu hướng đáng chú ý khác là làn sóng mua vàng từ các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi. Ông Eli Lee, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Ngân hàng Singapore, cho biết các quốc gia này đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong dự trữ ngoại hối, qua đó đẩy mạnh mua vàng. Cùng với đợt bán tháo USD gần đây, thị trường bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng giữ vững vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu của “đồng bạc xanh”.
Tuy vậy, ông Vivek Dhar cũng thừa nhận rằng vàng vẫn khó có thể thay thế hoàn toàn USD hay trái phiếu Mỹ, do chi phí lưu trữ cao và không mang lại lợi suất. Ông Todd Brighton từ Franklin Income Investors cũng khẳng định: trái phiếu Mỹ vẫn là thị trường có tính thanh khoản cao nhất thế giới, và chưa có một lựa chọn thay thế thực sự trong tương lai gần – dù thế giới đang chuyển dịch về một trật tự đa cực hơn.