![]() |
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá vàng có thể chạm 4.000 USD/ounce. |
Ngân hàng Goldman Sachs và UBS tiếp tục đưa ra các dự báo lạc quan đối với giá vàng thế giới, trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt từ các ngân hàng trung ương và vai trò của kim loại quý này như một công cụ phòng ngừa rủi ro suy thoái và bất ổn địa chính trị ngày càng được củng cố, mở đường cho kịch bản giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2025.
Theo đó, bà Lina Thomas và các chuyên gia phân tích của Goldman dự báo giá vàng sẽ đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm nay và chạm mốc 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026. Trong khi đó, chiến lược gia Joni Teves của UBS nhận định vàng có thể đạt 3.500 USD/ounce vào tháng 12/2025, theo hai báo cáo được công bố ngày thứ Sáu (11/4).
Những mục tiêu mới được đưa ra sau khi giá vàng bật tăng 6,6% trong tuần trước, và lập kỷ lục mới trên mức 3.246 USD/ounce vào thứ Hai (14/4). Trước đó, cả hai ngân hàng đã nâng dự báo giá vàng hồi tháng Ba, phản ánh sự đồng thuận ngày càng mạnh mẽ về xu hướng tăng giá của vàng trong bối cảnh bất ổn gia tăng do chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm rung chuyển các thị trường toàn cầu.
Các nhà phân tích của Goldman cho biết lượng mua từ khu vực công (chủ yếu là các ngân hàng trung ương) trong năm nay có thể đạt trung bình khoảng 80 tấn mỗi tháng, tăng so với dự báo trước đó là 70 tấn, đồng thời tiếp tục khuyến nghị duy trì vị thế mua vàng dài hạn. Ngoài ra, nguy cơ suy thoái gia tăng cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng (quỹ hoán đổi danh mục vàng).
“Dòng vốn gần đây đã vượt kỳ vọng, phản ánh nhu cầu phòng ngừa suy thoái và sự sụt giảm của các tài sản rủi ro đang gia tăng”, nhóm phân tích của Goldman cho biết, đồng thời tiết lộ các chuyên gia kinh tế của ngân hàng này hiện đánh giá khả năng xảy ra suy thoái tại Mỹ ở mức 45%. Nếu kịch bản đó xảy ra, “dòng vốn vào ETF có thể tăng tốc và đẩy giá vàng lên tới 3.880 USD/ounce vào cuối năm”.
Trong khi đó, UBS dự báo nhu cầu vàng sẽ tiếp tục mạnh mẽ từ nhiều nhóm nhà đầu tư – bao gồm ngân hàng trung ương, các nhà quản lý tài sản dài hạn, quỹ đầu cơ vĩ mô, giới đầu tư cá nhân giàu có và nhà đầu tư nhỏ lẻ – khi bối cảnh địa chính trị và thương mại toàn cầu thay đổi, thúc đẩy nhu cầu tìm đến tài sản trú ẩn. Theo bà Teves, tỷ trọng đầu tư vào vàng hiện vẫn còn dư địa tăng thêm, khi vị thế trên thị trường chưa bị coi là quá đông đúc.
“Tỷ lệ vị thế vàng trên tổng tài sản của các quỹ đầu tư vẫn có khả năng vượt mức năm 2020, dù chưa chắc đạt đỉnh như giai đoạn 2012–2013”, bà Joni Teves của UBS cho biết, đồng thời nhấn mạnh các nhà đầu tư của vàng đã mở rộng đáng kể, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Tình trạng bất định kéo dài càng làm nổi bật nhu cầu đa dạng hóa danh mục, từ đó hỗ trợ giá vàng”, bà Teves nhận định. Ngoài ra, thanh khoản thị trường vàng có xu hướng mỏng hơn có thể khiến các đợt biến động giá bị khuếch đại. Nguyên nhân của việc này một phần là do tăng trưởng nguồn cung mỏ hạn chế, và khối lượng lớn vàng bị "neo" trong dự trữ của ngân hàng trung ương cũng như các quỹ ETF.
Quý độc giả quan tâm hãy theo dõi thông tin giá vàng trong nước và thế giới để cập nhật phân tích mới nhất về các ngưỡng giá quan trọng!