![]() |
Vì sao Fed nên tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần này? |
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ tiếp tục tạm dừng chu kỳ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tuần này, khi giới chức tiền tệ cân nhắc tác động chưa rõ ràng của các đợt áp thuế liên tục thay đổi từ Tổng thống Donald Trump đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kể từ đầu năm 2025, Tổng thống Trump đã tái khởi động chính sách thương mại bảo hộ với hàng loạt mức thuế mới: 10% trên diện rộng với nhiều quốc gia, và các mức thuế cao tới 25% với mặt hàng thép, ô tô và nhôm. Dù vậy, hàng loạt đối tác thương mại đã được gia hạn miễn áp thuế đến tháng 7/2025 để tiếp tục đàm phán lại các thỏa thuận.
Các nhà kinh tế đồng thuận rằng những biện pháp thuế quan mới sẽ làm tăng giá cả và kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn – yếu tố khiến Fed có thể sẽ kéo dài thời gian giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25% – 4,50%, vốn được duy trì từ tháng 12 năm ngoái.
Theo bà Loretta Mester, cựu Chủ tịch Fed Cleveland và hiện là giáo sư tại Trường Kinh doanh Wharton, việc Fed tiếp tục giữ lãi suất là điều cần thiết để tránh rủi ro lạm phát quay trở lại. Cụ thể, bà cho biết: “Fed cần thận trọng để không làm xói mòn thành quả chống lạm phát suốt ba năm qua”.
Dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát của Mỹ đang tiến gần tới ngưỡng mục tiêu 2%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì quanh mức thấp lịch sử. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin tiêu dùng đang giảm mạnh, phản ánh sự lo ngại ngày càng lớn của người dân về lạm phát và triển vọng kinh tế – đặc biệt khi hiệu ứng từ các mức thuế đối ứng trong “Ngày Giải phóng” của ông Trump vẫn chưa thực sự ngấm vào các chỉ số vĩ mô.
Ông Jim Bullard, cựu Chủ tịch Fed St. Louis, hiện là Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Daniels (Purdue University), cho rằng Fed nên “kiên định đứng ngoài” vào thời điểm bất định này. Ông nhận định: “Họ đang ở một vị thế tốt, nên tiếp tục đứng ngoài trong lúc chiến tranh thương mại vẫn còn đầy sóng gió”.
Đáng chú ý, dữ liệu từ CME Group cho thấy thị trường gần như chắc chắn Fed sẽ không thay đổi lãi suất trong cuộc họp ngày thứ Tư (7/5) tới.
Thị trường lao động Mỹ đã có tín hiệu khả quan trong tháng 4/2025, với số liệu tuyển dụng vượt kỳ vọng, góp phần giảm áp lực lên Fed.
Sau báo cáo việc làm, các định chế tài chính lớn như Goldman Sachs và Barclays đã điều chỉnh dự báo cắt giảm lãi suất từ tháng 6 sang tháng 7, với lý do cần thêm dữ liệu và chờ đợi sự rõ ràng hơn từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Barclays cho biết việc cắt giảm vào cuối tháng 7 sẽ cho phép Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đánh giá thêm về sức khỏe thị trường lao động, đồng thời giảm bớt những bất định về thuế và chính sách tài khóa.
Một số nhà phân tích còn cho rằng Fed có thể tiếp tục chờ lâu hơn, tùy theo diễn biến thực tế của áp lực giá bắt nguồn từ các rào cản thương mại. Bà Loretta Mester lưu ý rằng kỳ vọng lạm phát dài hạn trong các cuộc khảo sát đang gia tăng, phản ánh nguy cơ giá cả tăng kéo dài nếu thuế nhập khẩu được duy trì. Bà phát biểu: “Tôi nghiêng về quan điểm: ai nói thuế không làm tăng lạm phát thì phải chứng minh điều đó”.
Tuy nhiên, ông Bullard phản bác rằng các khảo sát về kỳ vọng lạm phát thường chịu tác động từ nhiều yếu tố ngoài kinh tế, bao gồm cả chính trị. Ông nói: “Tôi không đánh giá cao dữ liệu kỳ vọng lạm phát từ khảo sát. Chúng thường phản ánh cả tâm lý chính trị hơn là thực tiễn kinh tế”.