![]() |
Đồng USD phục hồi, thị trường chờ đợi quyết định từ Fed |
Đồng USD đã ghi nhận đà tăng trở lại sau hai phiên giảm liên tiếp, nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiệu tích cực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ. Điều này đã khiến giới đầu tư điều chỉnh kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Cụ thể, chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh (DXY) đã tăng 0,2% trong phiên giao dịch gần nhất, giữa bối cảnh hoạt động dịch vụ tại Mỹ tăng tốc trong tháng 4 sau giai đoạn chững lại trước đó. Thị trường cũng bắt đầu đánh giá thấp hơn khả năng Fed hạ lãi suất trong ngắn hạn, khi nền kinh tế vẫn duy trì được sức bật ở một số lĩnh vực trọng yếu, bất chấp ảnh hưởng từ các mức thuế cao áp lên hàng hóa nhập khẩu.
Tại châu Á, đồng Đài tệ (NTD) tiếp tục tăng 0,3% sau cú bứt phá lịch sử trong phiên đầu tuần – mức tăng mạnh nhất kể từ thập niên 1980. Tuy nhiên, một số đồng tiền khác trong khu vực lại mất giá: đồng yên Nhật suy yếu nhẹ, trong khi đồng ringgit Malaysia giảm tới 0,8%. Trước áp lực tăng giá nội tệ, các ngân hàng trung ương trong khu vực như Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và đặc biệt là Hong Kong đã buộc phải can thiệp thị trường để kiềm chế biến động.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), nhà chức trách đã chi một khoản kỷ lục để bảo vệ cơ chế neo tỷ giá với USD, cho thấy mức độ căng thẳng trên thị trường ngoại hối. Trong khi đó, mức chênh lệch giữa tỷ giá giao ngay và hợp đồng kỳ hạn 1 năm không thể chuyển giao (NDF) của đồng Đài tệ so với USD đã giãn rộng tới 3.000 điểm cơ bản – mức cao nhất trong hơn 20 năm. Sự đảo chiều sâu này cho thấy áp lực bán USD tại khu vực còn dư địa lớn.
![]() |
Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 tại Mỹ ghi nhận giảm 0,2% sau khi chuỗi tăng điểm dài nhất trong gần hai thập kỷ của chỉ số này bị gián đoạn (Ảnh: Trading Economics). |
Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 tại Mỹ ghi nhận giảm 0,2% sau khi chuỗi tăng điểm dài nhất trong gần hai thập kỷ của chỉ số này bị gián đoạn. Giao dịch trái phiếu kho bạc Mỹ tạm ngừng trong phiên Á do thị trường Nhật Bản nghỉ lễ. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn tăng phiên thứ ba liên tiếp, phản ánh kỳ vọng nền kinh tế Mỹ đang “chịu đựng tốt” trước những sóng gió từ chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, giá dầu đã tăng nhẹ sau khi chạm mức đóng cửa thấp nhất trong vòng bốn năm, còn giá vàng giữ ổn định sau cú bật 3% trong phiên trước đó – phản ánh tâm lý thận trọng của giới đầu tư đang chờ đợi quyết định chính sách từ Fed vào ngày thứ Tư (7/5).
Giữa lúc thị trường tài chính toàn cầu bị xáo trộn bởi các tuyên bố thương mại từ Tổng thống Donald Trump, đồng USD – thường được xem là tài sản trú ẩn – lại đánh mất phần nào vai trò truyền thống, khi nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang các “tài sản phi Mỹ”. Tuy nhiên, với các dữ liệu thực tế như chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động vẫn vững vàng, nhiều chuyên gia cho rằng Fed sẽ chưa vội thay đổi chính sách.
“Không có gì chắc chắn giữa lúc thương chiến và thuế quan thay đổi liên tục. Nhưng với các số liệu cứng như chi tiêu và việc làm còn duy trì, Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất”, chuyên gia Greg McBride của Bankrate nhận định.