![]() |
Doanh nghiệp Mỹ phản ứng mạnh mẽ để đối phó với cuộc chiến thuế quan. |
Từ ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động một cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc bằng loạt thuế quan mạnh tay — mức cao nhất được ghi nhận trong nhiều thập kỷ, lên tới 145% với hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giới phân tích coi đây là một hình thức “cấm vận thương mại mềm”, đe dọa sâu sắc đến chuỗi cung ứng toàn cầu và các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ngay lập tức, thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng mạnh: lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, đồng USD suy yếu và vốn hóa thị trường toàn cầu bốc hơi hàng nghìn tỷ USD. Lo ngại một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra, Nhà Trắng đã phải tìm cách xoa dịu thị trường. Song hành với đó, một làn sóng vận động chính sách mạnh mẽ, nhưng đa phần diễn ra âm thầm trong hậu trường, đã được các tập đoàn lớn kích hoạt.
Các tập đoàn như Apple, Home Depot, Amazon, Walmart, cùng nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô, năng lượng và công nghệ đã nhanh chóng vào cuộc. Một số lãnh đạo doanh nghiệp — như CEO Tim Cook của Apple hay tỷ phú dầu mỏ Harold Hamm — đã trực tiếp trò chuyện với Tổng thống Trump, hoặc nhóm cố vấn thân cận nhằm vận động thay đổi chính sách. Những người khác chọn cách tiếp cận gián tiếp, thông qua các kênh chính trị, từ Quốc hội đến các bang then chốt.
Kết quả là ông Donald Trump đã phải nhượng bộ ở một số điểm — bao gồm miễn thuế cho phần lớn hàng hóa từ Canada và Mexico, loại trừ một số linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô khỏi danh sách đánh thuế, cũng như hứa hỗ trợ tài chính cho nông dân Mỹ chịu ảnh hưởng. Các ngành như công nghệ cao, bán lẻ và dầu khí nhận được các “khoảng miễn trừ” nhất định để giảm bớt áp lực chi phí và bảo vệ chuỗi cung ứng nội địa Hoa Kỳ.
![]() |
Các kệ hàng bị bỏ trống do một số sản phẩm từ Trung Quốc đã hết sản phẩm lưu kho tại chuỗi bán lẻ Walmart (Mỹ). |
Nhà sáng lập của Home Depot, tỷ phú Ken Langone — một nhà tài trợ lớn của Đảng Cộng hòa — từng cảnh báo rằng thuế quan sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành bán lẻ. Trong khi đó, Apple đã khéo léo vận động để các linh kiện sản xuất iPhone không bị áp thuế. Còn tỷ phú Jeff Bezos (Amazon) cũng phải giải trình trực tiếp sau khi có thông tin rằng công ty sẽ cảnh báo khách hàng về việc giá cả tăng do thuế — động thái khiến Nhà Trắng không hài lòng.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô là một trong những bên phản ứng quyết liệt nhất. BMW, Mercedes-Benz và Volkswagen đã cử lãnh đạo cấp cao đến gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng chỉ vài tuần sau khi chính sách mới được công bố. Các hãng sản xuất xe hơi của Mỹ như Ford, GM và Stellantis cũng đồng loạt vận động, yêu cầu miễn trừ thuế đối với phụ tùng nhập khẩu để tránh đứt gãy sản xuất. Ông Trump sau đó đã miễn thuế cho một số linh kiện và hứa hoàn thuế trong các trường hợp cụ thể.
Trong lĩnh vực năng lượng, tỷ phú Harold Hamm — một trong những người gây quỹ hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump — đã thuyết phục thành công chính quyền loại trừ dầu thô Canada khỏi danh sách đánh thuế, tránh được rủi ro đối với chuỗi cung ứng của các nhà máy lọc dầu ở miền Trung Tây nước Mỹ.
Ngoài ra, các tập đoàn bán lẻ lớn như Walmart, Target và Home Depot cũng đã có các cuộc gặp kín với ông Donald Trump, cảnh báo rằng các mức thuế mới sẽ dẫn đến giá cả tăng vọt, thiếu hụt hàng hóa và suy giảm tiêu dùng. Cảnh báo này được củng cố bởi các dữ liệu từ khảo sát tâm lý người tiêu dùng tại Đại học Michigan, cho thấy niềm tin tiêu dùng đã giảm mạnh ngay sau khi chính sách thuế quan được công bố.
Từ những chiến dịch vận động hành lang kể trên, có thể dễ dàng nhận thấy các công ty tại Mỹ đã vận dụng triệt để một phương pháp tiếp cận với chính quyền để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp của mình: vận động kín đáo và dựa trên mối quan hệ cá nhân tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với phản ứng công khai. Theo đó, những doanh nghiệp có liên kết mật thiết với các bang chiến địa hoặc tầng lớp trung lưu — nhóm cử tri quan trọng với Tổng thống Donald Trump — thường dễ được lắng nghe hơn. Trong khi đó, các phản ứng công khai, như trường hợp của Amazon, đôi khi lại mang đến những phản ứng ngược.
Với bối cảnh chính trị còn nhiều biến động trong thời gian còn lại của năm 2025, giới doanh nghiệp Mỹ đang thể hiện rõ rằng họ không chỉ là bên bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại, mà còn là người kiến tạo và định hình chính sách nếu biết cách sử dụng đúng kênh và thời điểm.
![]() |
![]() |
![]() |