![]() |
Trung Quốc đối mặt giảm phát sâu khi dồn hàng xuất khẩu cho tiêu thụ nội địa. |
Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên tới 145% với hàng hóa Trung Quốc đang khiến các đơn hàng từ thị trường này sụt giảm nghiêm trọng. Để ứng phó, Bắc Kinh đang thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển hướng tiêu thụ sang thị trường nội địa – một chiến lược ngắn hạn tiềm ẩn nguy cơ đẩy nền kinh tế thứ hai thế giới rơi sâu hơn vào vòng xoáy giảm phát.
Chính quyền địa phương và các tập đoàn lớn như JD.com, Tencent và Douyin đã tham gia hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hàng sang bán tại thị trường nội địa, đi kèm các chương trình ưu đãi mạnh. JD.com đã cam kết 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) cho sáng kiến này, đồng thời mở riêng một chuyên mục bán hàng hóa từng phục vụ xuất khẩu sang Mỹ, với mức giảm giá lên đến 55%.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo việc dồn hàng xuất khẩu vào thị trường nội địa đang châm ngòi cho cuộc chiến giá khốc liệt, ảnh hưởng trực tiếp tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp và gián tiếp gây áp lực lên thị trường lao động.
Chuyên gia Zhou Yingke của Barclays nhận định: “Doanh nghiệp buộc phải bán tháo để duy trì dòng tiền, khiến lợi nhuận bị bào mòn. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến việc làm và gia tăng tâm lý bất ổn trong tiêu dùng”.
Theo đó, số liệu cho thấy đà giảm phát đang trở nên rõ rệt: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã rơi vào vùng âm trong hai tháng liên tiếp (tháng 2 và 3/2025). Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục giảm tháng thứ 29 liên tiếp, xuống -2,5% trong tháng 3 – mức giảm sâu nhất trong 4 tháng qua.
Các chuyên gia tại Morgan Stanley dự báo PPI tháng 4 của nước này có thể giảm mạnh hơn nữa, xuống -2,8%, do tác động trực tiếp từ việc nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất và ngưng xuất hàng sang Mỹ. Goldman Sachs cũng dự đoán CPI cả năm 2025 của Trung Quốc sẽ về mức 0%, còn PPI giảm 1,6%, nối tiếp mức giảm 2,2% của năm 2024. “Để tiêu thụ được lượng hàng dư thừa, giá sẽ phải tiếp tục giảm, từ đó khiến vòng xoáy giảm phát kéo dài hơn”, chuyên gia Shan Hui của Goldman nhận định.
Ngoài áp lực giá cả, sức khỏe doanh nghiệp và thị trường lao động tại quốc gia này cũng đang xấu đi. Việc bán hàng tại thị trường nội địa thường không mang lại biên lợi nhuận như xuất khẩu sang Mỹ, buộc nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận hoạt động dưới giá vốn, hoặc đóng cửa hoàn toàn. “Việc chuyển hướng nội địa chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giải phóng hàng tồn kho và giảm áp lực dòng tiền. Lợi nhuận gần như bằng 0”, ông Shen Meng, Giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co tại Bắc Kinh, nhận xét.
Theo ước tính của Goldman Sachs, khoảng 16 triệu việc làm – chiếm hơn 2% lực lượng lao động Trung Quốc – có liên quan trực tiếp đến sản xuất hàng xuất sang Mỹ. Khi hoạt động xuất khẩu đình trệ, làn sóng cắt giảm lao động tại các địa phương phụ thuộc vào xuất khẩu là khó tránh khỏi. Eurasia Group dự báo tỷ lệ thất nghiệp thành thị trung bình năm 2025 sẽ vượt 5,7%, cao hơn mục tiêu chính thức 5,5%.
Tình hình càng thêm căng thẳng sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump bãi bỏ cơ chế “de minimis” – từng cho phép các nền tảng như Shein hay Temu được miễn thuế với các kiện hàng nhỏ gửi đến Mỹ. Điều này đang khiến các doanh nghiệp thương mại điện tử và sản xuất quy mô nhỏ ở Trung Quốc thêm kiệt quệ, vì chi phí tăng còn doanh thu lại giảm mạnh.
Trong khi đó, khả năng phản ứng chính sách của Bắc Kinh vẫn được đánh giá là còn dư địa. Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách dường như vẫn giữ thái độ thận trọng. “Chính phủ không xem giảm phát là một khủng hoảng, mà coi giá thấp là công cụ hỗ trợ tiêu dùng trong giai đoạn tái cơ cấu kinh tế”, chuyên gia Wang Dan từ Eurasia Group cho biết.
Tăng trưởng xuất khẩu từng là động lực bù đắp cho những khó khăn trong thị trường bất động sản và tiêu dùng nội địa của Trung Quốc. Nhưng hiện nay, nước này đang phải đối mặt cùng lúc hai sức ép lớn: thị trường bất động sản trì trệ và căng thẳng thương mại với Mỹ.
Chuyên gia Ting Lu từ Nomura cảnh báo “cú sốc cầu lớn hơn dự kiến” có thể xảy ra nếu các gói kích thích không được triển khai kịp thời.
Trong khi đó, giáo sư Justin Yifu Lin từ Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ và các biện pháp mục tiêu để hỗ trợ sức mua trong nước. Ông nhận định: “Thách thức đối với Mỹ còn lớn hơn. Việc tái công nghiệp hóa sẽ mất 1–2 năm và người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu giá cao trong thời gian đó”.
![]() |
![]() |
![]() |