![]() |
Cuộc cách mạng trong quản trị hiệu suất của các “ông lớn” công nghệ. |
Tại thung lũng Silicon, các “ông lớn” công nghệ đang trải qua một cuộc cải cách văn hóa, với thông điệp rất rõ ràng: Kỷ nguyên của những phúc lợi đầy đủ và ít trách nhiệm đã kết thúc.
Theo đó, các công ty công nghệ đang xây dựng chính sách làm việc mới, kết hợp phần thưởng hào phóng cho những nhân viên xuất sắc, cùng với những biện pháp nghiêm khắc dành cho những người không đáp ứng được kỳ vọng.
Tại Google, Microsoft và Meta, quản trị hiệu suất đã trở thành cả một công cụ khuyến khích và chọn lọc, phản ánh sự chuyển dịch rộng rãi trong ngành công nghệ, hướng tới môi trường làm việc chặt chẽ và khắt khe hơn.
Theo trang tin Business Insider, Google đang khuyến khích nhân viên hướng tới hiệu suất cao hơn bằng cách tăng mức thưởng cho những đóng góp xuất sắc. Công ty này gần đây đã cập nhật lại hệ thống đánh giá của mình, cho phép nhiều nhân viên đủ điều kiện nhận những đánh giá hiệu suất cao hơn, đi kèm với những khoản thưởng hậu hĩnh và cổ phiếu thưởng của tập đoàn.
Tuy nhiên, những thay đổi này lại mang tính "trung hòa ngân sách", nghĩa là phần thưởng tăng lên cho những nhân viên xuất sắc sẽ được chi trả từ những cá nhân không đạt hiệu suất đề ra. Chính sách này đã củng cố việc thúc đẩy sự xuất sắc, và đặt ra một số hậu quả đối với những người có thể đang lên kế hoạch nghỉ ngơi mà vẫn nhận lương.
Ngược lại, tại Microsoft đang triển khai một chính sách phạt nghiêm khắc hơn trước đây. Công ty hiện cung cấp cho các nhân viên kém hiệu quả một sự lựa chọn: Nhận một khoản thanh toán 16 tuần và tự nguyện rời đi, hoặc tham gia vào một kế hoạch cải thiện hiệu suất chính thức với những kỳ vọng và thời hạn rõ ràng.
Những người tham gia PIP (Kế hoạch Cải thiện Hiệu suất) và không đáp ứng được kỳ vọng có thể bị sa thải, và họ sẽ không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào. Đáng chú ý, những nhân sự này cũng sẽ bị loại khỏi danh sách tái tuyển dụng trong vòng hai năm.
Cách tiếp cận này tương tự như chương trình gây tranh cãi "Pivot" của Amazon, và cho thấy sự quyết tâm của Microsoft trong việc xóa bỏ sự mơ hồ xung quanh các tiêu chuẩn hiệu suất. Hồi đầu năm nay, Microsoft đã sa thải 2.000 nhân viên bị coi là có hiệu quả làm việc kém, không có phúc lợi kèm theo, nhấn mạnh vào sự chuyển đổi không khoan nhượng của công ty.
Meta gần đây cũng đã áp dụng chính sách cắt giảm hiệu suất. Quy trình đánh giá khắt khe của công ty hiện nay nhằm cắt giảm khoảng 5% lực lượng lao động của Meta, những người bị coi là có hiệu suất làm việc thấp nhất.
Theo một bản ghi nhớ nội bộ được Business Insider thu thập, công ty của tỷ phú Mark Zuckerburg muốn biến việc cắt giảm nhân viên dựa trên hiệu suất trở thành một thông lệ, theo chính sách "thôi việc không hối tiếc".
Thêm vào đó, Meta còn sử dụng "danh sách cấm nội bộ", ngừng việc tái tuyển dụng những nhân viên cũ. Thậm chí, những nhân viên xuất sắc bị sa thải trong các đợt trước cũng không thể quay lại làm việc, dù được các nhà tuyển dụng ủng hộ.
Những thay đổi này phản ánh xu hướng chung trong ngành công nghệ hiện nay: từ bỏ văn hóa đãi ngộ hào phóng để chuyển sang môi trường làm việc hiệu suất cao và trách nhiệm rõ ràng. Các công ty đang áp dụng các công cụ AI và phân tích dữ liệu để đánh giá, và cải thiện hiệu suất nhân viên, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và tăng trưởng lâu dài.
Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt trong quản trị nguồn nhân lực của các tập đoàn công nghệ lớn. Việc kết hợp giữa khen thưởng xứng đáng và các biện pháp nghiêm khắc đối với nhân viên không đạt yêu cầu cho thấy quyết tâm trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên chất lượng cao, và duy trì sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu.