![]() |
OPEC+ nâng sản lượng dầu thêm 411.000 thùng/ngày từ tháng 6 |
Liên minh các nước sản xuất dầu mỏ OPEC+ vừa nhất trí tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày từ tháng 6 tới. Động thái này được cho là sẽ khiến giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực giảm, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ áp thuế mới và nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Thông báo được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến hôm thứ Bảy (3/5), sớm hơn hai ngày so với kế hoạch. Đây là lần tăng sản lượng thứ hai liên tiếp, nằm trong lộ trình dỡ bỏ dần chính sách cắt giảm sản lượng của nhóm nhằm thích ứng với thị trường.
Trước đó, vào tháng 5, OPEC+ cũng đã nâng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày. Kết hợp với các biện pháp thuế quan của Mỹ, quyết định này đã kéo giá dầu xuống dưới mốc 60 USD/thùng — mức thấp nhất trong bốn năm qua.
Theo tuyên bố của OPEC+, việc điều chỉnh sản lượng lần này dựa trên “các yếu tố cơ bản lành mạnh của thị trường, lượng tồn kho thấp và lộ trình phục hồi sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 4/2025”. Tuy nhiên, nhóm cũng nhấn mạnh sẽ linh hoạt tạm dừng hoặc đảo ngược kế hoạch tùy theo điều kiện thị trường.
OPEC+ dự kiến tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 1/6 để quyết định sản lượng cho tháng 7.
Giá dầu giảm mạnh trước nguy cơ dư cung
![]() |
Giá dầu Brent tính bằng đô la Mỹ mỗi thùng. Nguồn: Bloomberg |
Thị trường dầu mỏ đã phản ứng tiêu cực với thông tin trên. Phiên giao dịch ngày thứ Sáu chứng kiến giá dầu Brent giảm 1,35%, còn 61,29 USD/thùng. Dầu WTI của Mỹ cũng mất 1,6%, xuống còn 58,29 USD/thùng.
Ông Giovanni Staunovo, chiến lược gia tại UBS, dự báo giá dầu có thể tiếp tục giảm khi thị trường mở cửa vào thứ Hai: "Căng thẳng thương mại và lo ngại tăng trưởng kinh tế sẽ khiến giá dầu chịu thêm áp lực."
OPEC+ hiện đang thực thi kế hoạch từng bước dỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng, với mức tăng 138.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 4/2025 cho tới tháng 9/2026. Tuy nhiên, mục tiêu tuân thủ cam kết vẫn là thách thức lớn khi một số quốc gia như Kazakhstan, Iraq và Nga chưa đạt được mức bù đắp cần thiết.
Theo các nhà phân tích, việc tăng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu yếu sẽ khiến thị trường đối mặt nguy cơ dư cung kéo dài. Ông Ehsan Khoman, Trưởng bộ phận nghiên cứu của MUFG Research, nhận định: "Việc Mỹ áp thuế đã làm giảm nhu cầu dầu mỏ, củng cố xu hướng giá dầu đi xuống."
Ả Rập Xê Út chấp nhận giá dầu thấp để duy trì kỷ luật sản xuất
Ả Rập Xê Út, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, dường như đã sẵn sàng chấp nhận giá dầu thấp hơn để buộc các quốc gia thành viên khác tuân thủ hạn ngạch sản lượng. Ông Edward Bell, chuyên gia kinh tế trưởng tại Emirates NBD Research, cho biết: "Việc tăng sản lượng sẽ làm thị trường dầu mỏ nới lỏng hơn trong những tháng tới."
Ngày 14/4, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu năm 2025, chỉ còn tăng 1,3 triệu thùng/ngày, chủ yếu do tác động từ các chính sách thuế mới. Dự báo cho năm 2026 cũng được điều chỉnh nhẹ theo hướng giảm.
Trước khi OPEC+ tăng sản lượng, thị trường đã đối mặt với nguy cơ dư thừa do nhu cầu tại Trung Quốc chững lại và nguồn cung từ Mỹ dồi dào. Động thái lần này càng làm triển vọng giá dầu trở nên u ám hơn trong thời gian tới.