![]() |
Thị trường toàn cầu bật tăng nhờ triển vọng hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung. |
Thị trường chứng khoán thế giới khởi sắc trong phiên giữa tuần, khi nhà đầu tư đón nhận hai thông tin tích cực cùng lúc: Mỹ và Trung Quốc xác nhận tổ chức cuộc đàm phán thương mại cấp cao tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ cắt giảm mạnh lãi suất cùng hàng loạt biện pháp bơm thanh khoản vào nền kinh tế.
Theo đó, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 đã tăng 0,9%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,7% và CSI300 của Trung Quốc đại lục nhích 0,5%. Đồng thời, đồng USD tăng nhẹ so với yen và euro; ngược lại, đồng nhân dân tệ và đô la Úc suy yếu do tác động từ chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc. Đồng won Hàn Quốc đã giảm hơn 1% sau chuỗi tăng mạnh trước đó. Ngoài ra, giá vàng giảm 1,4%, còn dầu Brent tăng 0,5%.
![]() |
Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 bật tăng 0,9% sau những tín hiệu tích cực từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Ảnh: Tradingview). |
Tại cuộc họp báo sáng thứ Tư (7/5), Thống đốc PBOC Pan Gongsheng công bố việc cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất điều hành, và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng thương mại thêm 50 điểm cơ bản, dự kiến bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 138,6 tỷ USD) vào thị trường. Đồng thời, cơ quan quản lý tài chính công bố sẽ mở rộng kênh cho các công ty bảo hiểm đầu tư vào thị trường chứng khoán, và cam kết có thêm các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản.
Đây là lần hiếm hoi các cơ quan tài chính hàng đầu của Trung Quốc hành động đồng bộ, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ nhằm ngăn đà suy giảm kinh tế trong bối cảnh giảm phát sâu, nhu cầu nội địa yếu và áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ngoài ra, cuộc gặp sắp tới giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) tại Geneva được xem là tín hiệu hạ nhiệt đầu tiên, sau khi Mỹ nâng thuế lên tới 145% với hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng đã trả đũa bằng mức thuế 125%. Giới phân tích kỳ vọng đây sẽ là khởi đầu cho một chuỗi đàm phán nghiêm túc, có thể giúp giảm căng thẳng và khơi thông dòng chảy thương mại toàn cầu.
Trên mặt trận chính sách, thị trường hiện đang không kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thay đổi lãi suất trong cuộc họp tối ngày 7/5 (theo giờ Mỹ). Bên cạnh đó, khả năng Fed cắt lãi suất trong tháng 6 cũng đã giảm còn 33%, so với tỷ lệ 64% một tháng trước.
Tuy nhiên, bất ổn địa chính trị đang tiếp tục gia tăng khi Ấn Độ và Pakistan xảy ra cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất trong hơn hai thập kỷ tại khu vực Kashmir, làm dấy lên lo ngại mới về rủi ro thị trường mới nổi, đặc biệt là áp lực lên đồng rupee Ấn Độ.
![]() Mỹ và Trung Quốc xác nhận về một cuộc gặp thương mại cấp cao tại Geneva vào tuần này. Cuộc gặp này được kỳ vọng mở ra cơ hội hạ nhiệt căng thẳng thuế quan và khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu. |
![]() Trung Quốc bất ngờ công bố loạt biện pháp kích thích kinh tế nhằm ứng phó đà giảm tốc tăng trưởng, tình trạng giảm phát và căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ. |
![]() Tăng trưởng kinh tế của Eurozone đã giảm tốc trong tháng 4, khi chỉ số PMI chỉ đạt 50,4, còn ngành dịch vụ gần như đình trệ, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt – tạo tiền đề cho khả năng ECB cắt giảm lãi suất. |