![]() |
Gig economy: Vũ khí “linh hoạt” của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. |
Khi Mỹ áp thuế lên đến 145% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, cỗ máy xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại rõ rệt. Theo Goldman Sachs, khoảng 16 triệu việc làm tại Trung Quốc gắn liền với các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Dự báo của Nomura cho thấy quốc gia này có thể mất tới 5,7 triệu việc làm trong ngắn hạn, và lên tới 15,8 triệu trong dài hạn, tạo ra làn sóng chấn động lên toàn bộ nền kinh tế.
Trước nguy cơ đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhanh chóng kích hoạt các biện pháp hỗ trợ như hoàn thuế bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một "vũ khí" khác đang được kích hoạt mạnh mẽ hơn: nền kinh tế gig (Gig economy - việc làm linh hoạt).
Gig economy (nền kinh tế gig) là mô hình kinh tế mà người lao động làm việc tự do, theo từng hợp đồng ngắn hạn hoặc công việc thời vụ, thay vì làm việc toàn thời gian cho một công ty cố định. Các ví dụ phổ biến gồm tài xế công nghệ, người giao hàng, freelancer thiết kế hay viết nội dung. Nền kinh tế gig mang lại sự linh hoạt cho người lao động, giúp họ chủ động về thời gian và tận dụng kỹ năng cá nhân để tăng thu nhập. Tuy nhiên, mô hình này cũng đi kèm nhiều rủi ro như thu nhập không ổn định, thiếu chế độ bảo hiểm, và người lao động dễ bị bóc lột do thiếu ràng buộc pháp lý rõ ràng. |
Trái với cái nhìn ngờ vực ban đầu của chính phủ Trung Quốc, nền kinh tế gig đang ngày càng được "chính danh hóa". Tổng liên đoàn lao động Trung Quốc ước tính hiện có 84 triệu người đang tham gia vào các hình thức việc làm mới như giao hàng, gọi xe công nghệ. Ngoài ra, chính quyền trung ương nước này còn mở rộng khái niệm này lên đến 200 triệu người, bao gồm cả lao động tự do và bán thời gian – một con số áp đảo so với 54 triệu việc làm trong khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Ví dụ điển hình là Meituan, nền tảng giao đồ ăn sử dụng 7,5 triệu tài xế, trả lương khoảng 11 tỷ USD mỗi năm. Đối với những lao động này, một số có thể làm việc lên tới 15 tiếng/ngày tại Bắc Kinh, đây là "cần câu cơm" trong giai đoạn khủng hoảng, khi mà “từng đồng đều đáng giá lúc này”.
Sự mở rộng mạnh mẽ của gig economy càng được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng. JD.com – “tân binh” trong lĩnh vực giao đồ ăn – tuyên bố sẽ tuyển thêm 100.000 tài xế trước tháng 7/2025. Dù điều này gây lo ngại cho các nhà đầu tư (giá cổ phiếu lao dốc vì chi phí tăng), nhưng đối với chính phủ, đây lại là tín hiệu tích cực: có thêm việc làm và một mạng lưới an sinh xã hội ngầm đang hình thành.
Trước đây, các nền tảng số từng bị chính quyền chỉ trích là “sự mở rộng hỗn loạn của tư bản”. Nhưng từ năm 2023, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi quan điểm. Thủ tướng Lý Cường đã công khai ca ngợi vai trò của các công ty nền tảng trong thúc đẩy tiêu dùng và tạo việc làm. Giờ đây, họ không chỉ được chấp nhận, mà còn được khuyến khích xây dựng hệ thống phúc lợi riêng.
Theo đó, JD.com cam kết đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho tài xế. Còn Meituan đang triển khai thử nghiệm chi trả một phần lương hưu. Nhiều công ty cũng đầu tư vào trạm nghỉ, bữa ăn và trợ cấp nhằm “ghi điểm” với chính quyền. Tuy vậy, câu hỏi lớn vẫn còn đó: ai sẽ thực sự trả chi phí cho hệ thống an sinh này?
Giới tài xế hiện vẫn tỏ ra hoài nghi. Một số cho rằng chi phí rốt cuộc vẫn được khấu trừ từ thu nhập của chính người lao động. Tại thành phố Tuyền Châu, nơi Meituan đang thử nghiệm hỗ trợ đóng bảo hiểm hưu trí, nhiều tài xế vẫn không mặn mà. “Lúc tôi về già, lực lượng lao động sẽ ít hơn, ai sẽ nuôi lương hưu cho tôi?” – tài xế Lai, 30 tuổi, đặt câu hỏi.
Ngoài ra, xu hướng tự động hóa cũng là một thách thức dài hạn. Meituan đã triển khai gần 5 triệu đơn giao hàng bằng xe tự hành và 1,45 triệu đơn bằng drone. Khi chi phí an sinh xã hội tăng và công nghệ thay thế nhân công, các công ty công nghệ tiêu dùng có thể bị “bốc hơi” và mang theo cả việc làm mà họ đang tạo ra.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang buộc Trung Quốc phải linh hoạt hơn trong chiến lược việc làm. Thay vì chỉ trông đợi vào ngành công nghệ cao hay các tập đoàn nhà nước, chính quyền Trung Quốc giờ đây đang dựa vào một “đội quân” tài xế xe máy – những người đảm bảo các gói hàng có thể được chuyển đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng.
Như tài xế Lai chia sẻ sau một năm làm nghề giao hàng, anh chuẩn bị chuyển sang kinh doanh hàng xuất khẩu trên Amazon. Nhưng nếu thị trường vẫn đóng băng? Anh nói, “Tôi sẽ lại lên xe”.