Nhà đầu tư Ấn Độ chọn Hải Dương, Thanh Hóa cho dự án dược phẩm tỷ đô

16:09 16/02/2022

Trong khi Hải Dương nhận được dự án công viên dược kinh phí đầu tư 10-12 tỷ USD của Công ty Sri Avantika - Ấn Độ, Thanh Hóa cũng trở thành địa điểm được các nhà đầu tư Ấn Độ khảo sát, tìm hiểu về dự án Khu công nghiệp dược phẩm.

Sau khi khảo sát cụ thể một số địa điểm tại Việt Nam, các nhà đầu tư Ấn Độ đã quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư tại Hải Dương. Vị trí đề xuất đầu tư thuộc địa bàn các huyện Gia Lộc, Thanh Miện và Bình Giang, tổng diện tích quy hoạch khoảng 960 ha.

Bên cạnh Hải Dương vừa được nhà đầu tư Ấn Độ chốt làm địa điểm, nhiều địa phương khác cũng chạy đua mời “đại gia” Ấn Độ đầu tư dự án này. Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hoá thông tin, vào ngày 13/2/2022, các nhà đầu tư Ấn Độ đã đến địa phương để khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án Khu công nghiệp dược phẩm. Đại diện phía Ấn Độ cho biết, đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng, họ quay trở lại Thanh Hóa để tìm hiểu về khả năng đầu tư dự án quan trọng này.

Ông Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm SMS (một trong số các đơn vị muốn hợp tác phát triển Công viên dược phẩm) cho rằng, dự án nếu thành công, có thể coi là “đòn bẩy chiến lược” để biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.

Vị trí đề xuất đầu tư thuộc địa bàn các huyện Gia Lộc, Thanh Miện và Bình Giang, tổng diện tích quy hoạch khoảng 960 ha, giá trị kinh phí đầu tư từ 10-12 tỷ USD. 

Các nhà đầu tư ký biên bản về đầu tư công viên dược tại Hải Dương. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hải Dương
Các nhà đầu tư ký biên bản về đầu tư công viên dược tại Hải Dương. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hải Dương.

Để được lựa chọn, lợi thế của địa bàn này tại Hải Dương có vị trí rất thuận lợi, tiếp giáp nút giao thông kết nối với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thời gian di chuyển tới Hà Nội chỉ mất khoảng 25 phút, tới cảng Hải Phòng khoảng 50 phút, kết nối với các tỉnh trong khu vực thuận lợi; có tuyến đường sắt (quy hoạch) kết nối quốc tế.  

Vì sao Hải Dương và Thanh Hóa được nhà đầu tư Ấn Độ chọn cho dự án dược phẩm tỷ đô tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Địa điểm đề xuất đầu tư với diện tích khoảng 960ha thuộc địa bàn các huyện Thanh Miện, Gia Lộc và Bình Giang

Đặc biệt, dự án nằm trong quy hoạch vùng công nghiệp trọng điểm, nhiều khả năng được Chính phủ chấp thuận là vùng kinh tế chuyên biệt với nhiều chính sách ưu đãi.

Trước đó, ngày 13/2, đoàn công tác của các nhà đầu tư Ấn Độ cũng đã đến thăm, khảo sát, tìm hiểu về dự án khu công nghiệp dược phẩm tại tỉnh Thanh Hóa. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng, các nhà đầu tư Ấn Độ và Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Khu công nghiệp và Đô thị Đại An quay trở lại Thanh Hóa để tìm hiểu về khả năng đầu tư dự án Khu công nghiệp Dược phẩm; đồng thời bày tỏ ấn tượng trước thịnh tình của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đối với dự án này.

Về lợi thế của Thanh Hóa nói chung và đặc biệt là Khu Kinh tế Nghi Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Khu Kinh tế Nghi Sơn nói riêng, và Thanh Hóa nói chung, đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. 

Theo Chủ tịch Thanh Hóa, Nghi Sơn là khu kinh tế được nhận những ưu đãi cao nhất, đặc biệt nhất trên cả nước. Nhấn mạnh về lợi thế, Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt đánh giá cao vị trí giao thông thuận lợi của tỉnh, với đủ loại hình giao thông như Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn, Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân, đường bộ liên tỉnh xuyên suốt từ Bắc vào Nam; đường cao tốc Bắc – Nam đi qua Thanh Hóa; nguồn nhân lực dồi dào, hiện tỉnh có Trường Đại học Y Hà Nội Phân hiệu Thanh Hóa đang đào tạo những sinh viên xuất sắc ngành y; giá thuê đất được ưu đãi cao…

Ông Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm SMS - một trong số các đơn vị muốn hợp tác phát triển công viên dược phẩm, cho rằng, công viên dược phẩm này nếu thành công, có thể coi là ‘đòn bẩy chiến lược’ để biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.

Các khu công nghiệp chuyên biệt này sẽ giúp hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu tới thành phẩm. Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và có vị trí địa lý thuận lợi, công viên dược phẩm giúp các công ty giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu suất và hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Lâm Vĩ