Nghệ thuật Pháp Lam Huế - Di sản triều Nguyễn để lại cho hậu thế

10:09 08/12/2021

Ngự trị trên đất Huế gần 150 năm, triều Nguyễn đã để lại một kho tàng di sản văn hóa cho nơi đây. Trong số đó không thể không kể đến nghệ thuật Pháp Lam – một loại hình mỹ thuật trang trí độc đáo từng một thời hưng thịnh.

Pháp Lam hiểu một cách đơn giản là tên gọi loại sản phẩm mĩ thuật có cốt làm bằng đồng, bên ngoài được vẽ một hoặc nhiều lớp men màu rồi đem nung mà thành. Do cách thức chế tác đặc biệt nên Pháp Lam không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền về mặt cơ, hóa, lý, có khả năng chống chịu cao trước sức va đập, hoặc sự ăn mòn của môi trường và khí hậu...

Kỹ nghệ Pháp Lam bắt nguồn từ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng (năm 1827), thông qua sự tài hoa và khối óc của các nghệ nhân Việt Nam xưa mà trở thành tinh hoa độc đáo. Pháp Lam được sử dụng rất nhiều trong việc trang trí nội ngoại thất các cung điện ở Huế, đó là những tác phẩm mỹ thuật hay các chi tiết trang trí trong kiến trúc Huế. Đối với hệ thống di tích cố đô Huế, sản phẩm Pháp Lam được trang trí trên công trình kiến trúc ở các phường môn, cổ diềm mái điện, bầu hồ lô tại Hoàng thành, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ...

Hình tượng mặt trời, mây và hoa lá thực hiện bằng pháp lam trên nghi môn trong Hoàng thành Huế
Hình tượng mặt trời, mây và hoa lá thực hiện bằng Pháp Lam trên nghi môn trong Hoàng thành Huế. (Ảnh: Thái Hoàng)

Nét đặc sắc và đặc biệt của việc ứng dụng Pháp Lam trong trang trí trên các công trình kiến trúc cung đình Huế đó là tùy vào tính chất, quy mô và tầm quan trọng của công trình mà người ta sẽ có những thể thức, lề lối trang trí khác nhau. Về cơ bản, hình thức thể hiện của các đồ án Pháp Lam Huế xoay quanh các chủ đề về rồng phượng, chim muông, hoa lá, phong cảnh, thơ văn, câu đối chữ Hán Nôm, và các loại họa tiết trang trí mang phong cách cổ điển và truyền thống...; màu sắc thì tươi vui, nhã nhặn với những gam màu truyền thống như tím, đỏ, xanh lam, vàng chanh, hồng phấn, xanh đậm... 

Nhờ vậy mà trải qua gần hai thế kỉ, màu sắc và hình thái các chi tiết trang trí pháp lam trên các công trình kiến trúc cung đình ở Huế vẫn giữ nguyên nét vàng son lộng lẫy một thời, góp phần làm cho các di tích ở cố đô Huế bớt đi vẻ u buồn, sầu lắng, và đặc biệt hơn là còn góp phần đưa quần thể di tích cố đô Huế trở thành di sản văn hóa của thế giới vào năm 1993. Đây chính là nét đặc sắc và đặc biệt của pháp lam Huế so với Pháp Lam của các nước trên thế giới. 

Hệ thống các ô hộc được bài trí bằng pháp lam trên nóc điện Thái Hòa trong Hoàng thành Huế
Hệ thống các ô hộc được bài trí bằng Pháp Lam trên nóc điện Thái Hòa trong Hoàng thành Huế. (Ảnh: Thái Hoàng)

Pháp Lam không phải là một nghệ thuật bình dân mà sản phầm này được dùng trong hoàng cung, tầng lớp quan lại triều Nguyễn. Vì thế, dòng sản phẩm này sau năm 1945 chỉ còn lại rất ít ở các phủ đệ, dinh thự. Trong dân gian, ít gia đình nào có được tác phẩm pháp lam. Do đó sự phổ biến, kế tục nghệ thuật Pháp Lam phần nào  bị hạn chế.

Sau này, khi xã hội bắt đầu chú ý đến các tác phẩm Pháp Lam, thì kỹ thuật chế tác đã mai một, thất truyền và không còn dấu tích các lò xưởng. Hiện nay, đang có những công trình tìm tòi, nhằm khôi phục nghề Pháp Lam Huế. Tuy cố gắng nhiều, song kết quả rất khiêm tốn, chất lượng sản phẩm chưa đạt chuẩn. Song cũng là tín hiệu đáng mừng về việc hồi sinh nghề Pháp Lam ở Việt Nam

Pháp Lam còn được sử dụng trong việc trang trí đồ dùng trong cung đình như bát, đĩa, khay, chậu hoa, bình hoa, những đồ tế tự như lư trầm, bát hương, quả bồng... Trình độ kỹ thuật chế tác Pháp Lam thời kỳ đầu chưa đạt độ sắc nét, tinh xảo, màu sắc không bằng Pháp Lam nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, Pháp Lam Huế lại mang nét đặc trưng riêng bởi dấu ấn sáng tạo của người Việt, của văn hóa Việt. 

Bộ đồ uống trà bằng pháp lam Huế, đời Minh Mạng
Bộ đồ uống trà bằng Pháp Lam Huế, đời Minh Mạng. (Ảnh: Sưu tập của Philippe Truong)
Lư trầm, pháp lam nội thất Huế
Lư trầm Pháp Lam nội thất Huế. (Ảnh: internet)
Chậu hoa bằng pháp lam Huế
Chậu hoa bằng Pháp Lam Huế. (Ảnh: ưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Rennes)

Tại Huế, trong Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình đang trưng bày 98 hiện vật Pháp Lam quý giá, gồm các vật dụng cung đình. Ngoài ra, Pháp Lam còn được lưu giữ trên các đồ áng rồng, máy, bát bửu, hoa điểu, thơ văn chữ Hán... tại một số công trình kiến trúc khác. Đa số những hiện vật Pháp Lam này đều do nghệ nhân và thợ Việt Nam làm. Căn cứ vào các tác phẩm còn lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, cho thấy dòng Pháp Lam Huế (thời Nguyễn) có đặc trưng riêng, không rập khuôn với dòng Pháp Lam thời Minh và thời Thanh ở Trung Quốc. Đây chính là thành tựu đáng trân trọng của các nghệ nhân Pháp Lam Việt Nam xưa.

(T/h)