Ngành sản xuất Trung Quốc chứng kiến dấu hiệu khởi sắc

15:42 01/04/2024

Kết quả này mang lại tín hiệu lạc quan cho các nhà hoạch định chính sách ngay cả khi cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn là lực cản với nền kinh tế cũng như niềm tin của người dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục.

Cụ thể, theo số liệu do Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 31/3, PMI khu vực sản xuất trong tháng 3 đạt 50,8 điểm, tăng so với mức 49,1 của tháng 2, cho thấy sự phục hồi trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc.

Chỉ số PMI trên 50 cho thấy có sự cải thiện so với tháng trước, trong khi dưới 50 phản ánh sụt giảm trong hoạt động. 

Trước đó, một cuộc khảo sát do Bloomberg tiến hành cũng dự báo PMI sản xuất sẽ tăng trở lại từ tháng 3 nhưng với mức thấp hơn là 50,1 điểm.

Chỉ số PMI khu vực phi sản xuất cũng đạt 53 điểm, tăng so với 51,4 điểm của tháng 2.

Kết quả này mang lại tín hiệu lạc quan cho các nhà hoạch định chính sách ngay cả khi cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn là lực cản với nền kinh tế cũng như niềm tin của người dân.

Zhou Maohua, chuyên gia của Ngân hàng Everbright Trung Quốc, nói chỉ số cho thấy cung và cầu trong nước đã cải thiện, niềm tin của chủ sở hữu nhà và doanh nghiệp đang phục hồi, còn mức độ sẵn sàng tiêu dùng và đầu tư đang tăng lên.

PMI tháng 3 chỉ ra lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc tăng lên mức tích cực, phá vỡ tình trạng sụt giảm kéo dài hơn 11 tháng. Tuy nhiên, việc làm vẫn tiếp tục giảm, dù với tốc độ chậm.

Các chỉ số lạc quan gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần lấy lại trạng thái tốt hơn, khiến các nhà phân tích bắt đầu nâng dự báo tăng trưởng năm nay đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đơn cử, tập đoàn dịch vụ tài chính Citi tuần này đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc lên 5,0%, từ mức 4,6%, với lý do "dữ liệu tích cực gần đây và việc đưa ra chính sách".

Theo phản ánh của Reuters, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã phải vật lộn với tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 vào cuối năm 2022, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này ngày càng lún sâu, nợ chính quyền địa phương gia tăng và nhu cầu toàn cầu suy yếu.

"Dữ liệu tháng 3 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã sẵn sàng cho một kết thúc mạnh mẽ trong quý I", công ty tư vấn China Beige Book nhận xét. "Việc tuyển dụng đã ghi nhận khoảng thời gian cải thiện dài nhất kể từ cuối năm 2020. Sản xuất cũng như bán lẻ đều tăng trưởng".

Tuy nhiên, sự sụt giảm liên tục trong lĩnh vực bất động sản có thể hạn chế đà tăng của thị trường, sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán nhà ở Trung Quốc sụt giảm kéo dài trong tháng 3.

Báo cáo thu nhập doanh nghiệp mới nhất cũng khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Sự hoài nghi về phạm vi và độ sâu của quá trình phục hồi thu nhập lại nổi lên sau kết quả đáng thất vọng từ các công ty đầu ngành bao gồm BYD và Wuxi Biologics Cayman.

Trước đó, ngày 5/3, Thủ tướng Lý Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 5%. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ cần tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn để đạt được mục tiêu.

Thực tế, chính phủ Trung Quốc vào đầu tháng này đã thông qua một kế hoạch nhằm thúc đẩy nâng cấp thiết bị trên quy mô lớn và bán hàng tiêu dùng. Kế hoạch này được kỳ vọng có thể tạo ra nhu cầu thị trường trị giá hơn 5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 691,63 tỷ USD) mỗi năm.

Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể bắt đầu rơi vào tình trạng đình trệ kiểu Nhật Bản vào cuối thập niên này, nếu các nhà hoạch định chính sách không thực hiện các biện pháp định hướng lại nền kinh tế theo hướng tiêu dùng hộ gia đình và phân bổ nguồn lực theo thị trường, đồng thời thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng như trước đây.

Phương Anh (t/h)