Năm 2024 sẽ là “viên gạch đầu tiên” cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam

10:01 06/01/2024

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2024 sẽ là “viên gạch đầu tiên” cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo đó, trong quý 1 và quý 2/2024 thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023 và có khả năng phục hồi rõ nét từ cuối quý 3 trở đi. Khoảng 30%-40% nhân sự ngành môi giới bất động sản (BĐS) đang và sẽ quay trở lại thị trường. Các chương trình mở bán quy mô lớn cùng chiến dịch truyền thông rầm rộ sẽ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục hơn. Đây được xem là hành động quyết liệt, thể hiện sự quyết tâm sinh tồn rất cao của các CĐT trong nỗ lực vượt qua khó khăn.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhận định, tuy chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024. Nhưng chắc chắn 2024 chính là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam”.

  1. Ảnh minh họa
    TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS (Ảnh: Phan  Chính)

    Trong năm 2024, các cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến tín dụng đạt được độ ngấm sẽ cho thấy rõ hơn các tác động tích cực đến thị trường. Các ngành nghề khác, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường BĐS như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất…cũng sẽ hồi phục theo.

Phân khúc BĐS nhà ở, đặc biệt là NƠXH và nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giai đoạn giữa năm 2024. Tuy nhiên, giá nhà vẫn sẽ duy trì mức giá cao cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, đây là ngành quan trọng trong hệ sinh thái kinh tế và có liên quan trực tiếp đến nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, từ năm 2022 đặc biệt là thời điểm giữa năm cho đến nay, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang trong quá trình hồi phục, nhưng lại gặp khó khăn do những hạn chế, tồn tại từ trước đó chưa thể khắc phục triệt để.

Ảnh minh họa
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) (Ảnh: Phan Chính)

“Vì vậy, trong năm 2023 thị trường BĐS tiếp tục suy giảm mạnh về sức mua và thành khoản; thiếu nguồn cung đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của nhóm đối tượng thu nhập thấp tại đô thị; DN BĐS khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động từ khách hàng; số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành và chấp thuận mới giảm mạnh” – Cục trưởng Hoàng Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, trước những khó khăn trên phía cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia đã đưa ra nhiều phân tích và phân nhóm đối tượng khó khăn mà thị trường gặp phải, gồm: Nhóm về thể chế, nhóm trái phiếu, nhóm vốn – tín dụng và nhóm về thực thi.

Trên cơ sở đó, nhiều cơ chế, chính sách được Chính phủ ban hành: Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho c cấp sổ hồng cho các loại hình BĐS căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp việc nghỉ dưỡng; Thông tư số 02/2023/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về hồ sơ địa chính.

Nghị định 08/2013/NĐ-CP tháo gỡ cho việc chào bán, giao dịch trái phiếu DN; Thông tư 02/2023/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư 03/2023/TT-NHNN về tổ chức tín dụng, chỉ nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN; Thông tư 10/2023/TT-NHNN tạo điều kiện khách hàng tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn; Liên quan hoạt động xây dựng có Nghị định 35/2023/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ thực tiễn trong lúc chờ các Luật mới có hiệu lực. Liên quan quy hoạch: Nghị định 58/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch...

Nhân Hà