PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Nguồn vốn quan trọng của doanh nghiệp bất động sản là tiêu thụ được sản phẩm của mình

16:03 05/01/2024

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguồn vốn quan trọng nhất chính là dòng vốn mà các doanh nghiệp bất động sản phải bán được các sản phẩm hàng hoá của mình.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, việc huy động nguồn vốn trong năm 2024 của thị trường bất động sản, vấn đề mà rất nhiều người thường nhắc tới dòng vốn tín dụng hoặc dòng vốn có thể huy động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Theo ông Thịnh, nguồn vốn quan trọng nhất chính là dòng vốn mà các doanh nghiệp bất động sản phải bán được các sản phẩm hàng hoá của mình. “Đây cũng là một dòng vốn lớn thu từ xã hội thông qua việc bán các sản phẩm bất động sản. Trong giai đoạn năm 2021 - 2022, dòng vốn này gần như đã chững lại do thị trường đóng băng”, ông Thịnh nói.

Clip (Phan Chính)

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, nếu có bổ sung dòng vốn tín dụng hoặc dòng vốn có thể huy động trên thị trường trái phiếu cũng không thể đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường bất động sản.

Vậy nên, cũng theo ông Thịnh việc các doanh nghiệp tự tái cấu trúc theo các yêu cầu của thị trường theo từng phân khúc và tự tái cấu trúc chi phí/ giá thành để hạ giá thành sản phẩm, bán được sản phẩm cho người tiêu dùng là điều quan trọng nhất để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mạnh hơn.

Ông Thịnh cho biết, thị trường bất động sản đã từng có giai đoạn được đáp ứng chủ yếu bởi dòng vốn tín dụng ngân hàng. Sau đó, từ những năm 2019 - 2020, thị trường này được đáp ứng bằng trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, từ năm 2022, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng rất khó khăn khi hầu hết các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu phát hành trái phiếu theo nghị định 65.

“Vì vậy, vào tháng 3/2023, Chính phủ đã đưa ra Nghị định 08 để nới rộng một số các điều kiện giúp các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu. Từ đó, việc phát hành trái phiếu đã quay trở lại nhưng chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2022. Rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, nguồn vốn tín dụng vẫn chiếm thế chủ đạo với hơn 70%”, ông Thịnh nói thêm.

Ông Thịnh phân tích, việc Chính phủ tháo gỡ khó khăn cũng như các ngân hàng đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất/ tài chính đang trở thành những yêu cầu giúp nguồn vốn vào thị trường bất động sản trở nên trôi chảy hơn. Tuy vậy, do ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ nên cũng cần các điều kiện tối thiểu mà các doanh nghiệp bất động sản phải tự mình vươn lên đáp ứng các điều kiện đó, ví dụ như: không có nợ xấu, không gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, phải có lãi trong khoảng thời gian nào đó hoặc có tài sản đảm bảo.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, đây là những điều kiện tối thiểu để phòng tránh rủi ro cho các ngân hàng thương mại.Như vậy, doanh nghiệp phải là đơn vị tự chủ động để đáp ứng nguồn vốn của mình, không nên trông chờ vào các yếu tố khác nhiều quá.

Tại Diễn đàn thị trường bất động sản 2024 tổ chức sáng nay (5/1/2024), đại diện Tổ nghiên cứu thị trường của VARS cho hay, 2023 là một năm đầy “vất vả” với thị trường bất động sản Việt Nam. Đây là “sự trả giá” cho quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch và an toàn của thị trường trong suốt một thời gian dài trước đó.

Theo VARS, có thể nói, 2023 là năm bùng phát "căn bệnh" khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam, sau một khoảng thời gian “ủ bệnh” khá dài và có dấu hiệu “khởi phát” kể từ tháng 5/2022. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023 có 1.286 doanh nghiệp giải thế, tăng 7,7% so với năm 2022 (năm 2022 tăng tới 38,7% so với năm 2021), 3.705 doanh nghiệp bất động sản ngừng có thời hạn, tăng 47,4%.

Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 4.725, giảm 45%; có 2.270 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,1%. Tín hiệu đã cải thiện hơn vào giai đoạn nửa sau của năm, nhưng nhìn chung, năm 2023 là năm khó khăn của thị trường bất động sản nói chung, hoạt động môi giới nói riêng khi hàng nghìn môi giới bất động sản mất việc, bỏ nghề. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 20% môi giới bất động sản đang hoạt động.

Về tình hình chung toàn thị trường, nguồn cung năm 2023 cho thấy sự thiếu hụt, nghèo nàn khi tổng nguồn cung cả năm 2023 chỉ đạt 55.329 sản phẩm, dù tăng 14% so với năm 2022, nhưng chỉ bằng 32% so với năm 2018, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điểm đáng chú ý là rất hiếm dự án mới được phê duyệt, trong khi hàng nghìn dự án dở dang bị “đắp chiếu” do vướng mắc pháp lý, một lượng không nhỏ dự án bị ngưng trệ vì thiếu vốn, chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Nghệ Nhân