Mục tiêu trung hòa carbon có phải nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng điện năng tại Trung Quốc?

16:32 01/10/2021

Các mục tiêu cắt giảm carbon không khoan nhượng đã buộc chính quyền nhiều tỉnh địa phương ở Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp gấp rút như cắt điện trên diện rộng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu than khẩn cấp cũng là một trong những lý do gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung điện bao trùm cả nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Cuộc khủng hoảng nguồn cung điện tại Trung Quốc tăng cao trong tuần qua với hơn một nửa lãnh thổ quốc gia phải chịu đựng tình trạng cắt điện, đã biến quốc gia này thành một trong những ví dụ điển hình nhất về phân bổ năng lượng quốc gia. Vốn dĩ, cắt điện thường chỉ giới hạn ở những khu vực sản xuất công nghiệp nhưng tần suất và quy mô khủng hoảng đã tăng mạnh kể từ cuối năm ngoái và hiện mở rộng đến các hộ gia đình. 

Tổng cộng 16 trong số 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đại lục đang trong quá trình phân phối điện nhằm đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải hàng năm của Bắc Kinh sau nhiều thất bại hồi đầu năm. Tháng trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của đất nước, đã chỉ trích "cường độ tiêu thụ năng lượng" của 9 tỉnh - Quảng Đông, Giang Tô, Vân Nam, Phúc Kiến, Thiểm Tây, Quảng Tây, Ninh Hạ, Thanh Hải và Tân Cương. Sau cảnh báo, chín tỉnh đã tăng cường nỗ lực cắt điện tại những khu vực này.

Bà Meng Wei, phát ngôn viên của NDRC, cho biết: "Thêm 10 tỉnh không đạt được mục tiêu tiến độ trong giảm tỷ lệ tiêu thụ năng lượng và tình hình tiết kiệm năng lượng quốc gia rất nghiêm trọng". Một năm trước, chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết bất ngờ rằng Trung Quốc sẽ trở thành trung hòa carbon vào năm 2060. Đầu năm nay, Bắc Kinh đã vạch ra những phương án đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát việc sử dụng năng lượng quốc gia bằng cách cắt giảm 3% mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2021. "Các mục tiêu carbon kép của ông Tập là không thể thương lượng về mặt chính trị. Yêu cầu cao trở thành chất xúc tác cho tất cả các chính sách bao gồm kiểm soát sản xuất và tiêu thụ điện năng", Cory Combs, nhà phân tích của công ty tư vấn Trivium Trung Quốc cho hay. "Chúng ta có thể thấy nhiều điều trong quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc, bao gồm những thử nghiệm ban đầu về định giá môi trường, cân nhắc chi phí tài chính ngắn hạn so với lợi ích tổng thể dài hạn", Combs nói thêm rằng hầu hết các khủng hoảng leo thang gần đây trong việc hạn chế năng lượng tại địa phương là do áp lực đáp ứng các mục tiêu phát thải cuối năm, không giống như mục tiêu nửa đầu năm tạo cơ hội cho các tỉnh khắc phục thiếu sót.

Bắc Kinh cũng tăng gấp đôi nỗ lực của mình bằng cách thúc giục chính quyền địa phương hạn chế các hoạt động tiêu thụ nhiều năng lượng và các dự án phát thải. Tuy nhiên, đã có nhiều lo ngại rằng việc hạn chế năng lượng của tỉnh là thiển cận và không công bằng đối với người sử dụng, đặc biệt là người tiêu dùng hộ gia đình. Hôm chủ nhật, tờ Nhật báo Nhân dân do nhà nước điều hành đã chỉ trích các quan chức địa phương sử dụng các biện pháp áp đặt để đạt được các mục tiêu hoạt động môi trường hàng năm. Liu Shijin, cựu phó chủ tịch tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước, cũng chỉ trích các tỉnh quá quan liêu trong việc thúc đẩy các mục tiêu giảm phát thải, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Ông phát biểu tại một diễn đàn tại Bắc Kinh vào đầu tháng chín: “Chúng ta cần phải làm rõ rằng các mục tiêu về đỉnh điểm carbon và trung hòa carbon… không phải để giảm năng lực sản xuất, cũng không làm chậm tốc độ tăng trưởng, cũng như phá vỡ trật tự cung cầu bình thường mà không có công nghệ xanh”. Tuần trước, quận Jianghai của thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông cho biết việc cắt giảm là do nhu cầu điện lớn hơn và thiếu hụt nguồn cung do tăng trưởng kinh tế và nhiệt độ cao trong tháng này. "Cắt điện liên quan đến kiểm soát tiêu thụ năng lượng nhưng đây không phải lý do chính", quan chức quận Jianghai Wang Aihua chỉ ra.

Hôm thứ Hai, Tổng công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc cho biết họ sẽ bắt đầu thực hiện các chính sách để giải quyết tình trạng cắt điện và đảm bảo nguồn cung cấp điện và sinh kế được khôi phục. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc cắt giảm không chỉ là kết quả của nỗ lực chống ô nhiễm của Trung Quốc mà còn là tình trạng thiếu than trầm trọng , bằng chứng là giá than nhiệt tăng vọt.

Yunhe Hou, một giáo sư của Khoa Kỹ thuật Điện và Điện tử tại Đại học Hồng Kông phân tích: "Khó có thể nói đâu là nguyên nhân chính, thiếu than hay vì mục tiêu trung hòa cacbon, nhưng tình trạng thiếu than hiện nay nghiêm trọng hơn nhiều so với thời gian qua. Trước hết, giá than quá cao; thứ hai, chất lượng than của Trung Quốc quá kém để tạo ra đủ năng lượng. Ngoài ra, một số vùng đã bắt đầu tích trữ than cho mùa đông, điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu than".

Giá nguyên liệu thô đã có xu hướng tăng trong suốt cả năm và đạt mức cao mới trong những tuần gần đây do không chỉ Trung Quốc mà các quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ, có trữ lượng hàng cực kỳ thấp. Giá đã tăng khoảng 40% trong tháng trước, từ khoảng 780 nhân dân tệ/ tấn vào giữa tháng 8 lên khoảng 1.100 nhân dân tệ / tấn trong những tuần gần đây. Trung Quốc đã cấm toàn bộ than của Australia, nhưng nước này không dựa vào  nhập khẩu than nhiệt.

Tuần trước, nhận thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng của than nhiệt sản xuất trong nước, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia đã thúc đẩy một số tỉnh Tây Bắc tăng sản lượng. “Những lo ngại về an ninh năng lượng tiếp tục thể hiện vai trò đặc biệt của than. Đặc biệt, NDRC đã ban hành hết biện pháp này đến biện pháp khác để xây dựng năng lực sản xuất than trong nước và tích trữ dự trữ trước mùa đông, ngay cả khi mâu thuẫn với chính sách môi trường", Combs nói thêm.

TL