Mục tiêu đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%

22:25 19/06/2022

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước đạt 75% vào năm 2025 và năm 2030 tiến đến mốc 85%.

Theo thống kê, hiện cả nước có 862 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều; tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, khâu quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế.

Mục tiêu của Việt Nam trong tương lai là tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 đạt từ 950-1.000 đô thị và đạt ngưỡng 1.000-1.200 đô thị vào năm 2030.

Mục tiêu đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%
Mục tiêu đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%.

Cùng đó, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh...

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, cùng với những bất cập trong nhiều năm qua trong phát triển đô thị đặt ra yêu cầu cần phải ban hành một Nghị quyết mới có tính tổng thể và toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn tới.

Mặt khác, những hạn chế, tồn tại trong phát triển đô thị thời gian qua cần có chủ trương của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ. Điển hình như tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, chất lượng đô thị hóa chưa cao, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới...

Đặc biệt, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới…

Do đó, Nghị quyết số 06 nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đô thị hóa và phát triển đô thị cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, đây cũng là thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Bởi vậy, sự đổi mới trong tư duy để định hướng đúng, kịp thời lại càng quan trọng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ Nghị quyết này có nghĩa lớn, gợi mở và tháo gỡ nhiều vấn đề trong phát triển đô thị của thành phố cũng như mạng lưới đô thị cả nước. Nghị quyết có những điểm mới như cơ chế tài chính để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, đô thị; phân cấp, phân quyền cho các địa phương, ngành trong quy hoạch, quản lý và triển khai xây dựng đô thị, hạ tầng đô thị...

PV