Lý giải nguyên nhân nhập khẩu đường tăng 5 tháng đầu năm

23:19 11/07/2021

Số liệu của tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanma, Indonesia đã lên đến 320.000 tấn, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ 2020 là 20.043 tấn).

Trong khi đó, VSSA khẳng định, cả 5 nước ASEAN nêu trên đều không đủ năng lực sản xuất đường để xuất khẩu vào Việt Nam với mức tăng như vậy. Mặt khác, các nước này cũng đều có nhập khẩu đường của Thái Lan. VSSA cho rằng, hiện tượng này chỉ có thể là dấu hiệu “lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp” đối với đường có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam thông qua nước thứ ba bằng thủ đoạn gian lận xuất xứ. Bởi mức thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam (trừ Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp) chỉ ở mức 5%. Đường nhập khẩu (bao gồm đường lậu gian lận thương mại, đường lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại) vẫn đang làm chủ thị trường, gây khó khăn cho sản xuất trong nước.

Để bảo vệ ngành sản xuất đường trong nước, sau quá trình điều tra theo đúng các quy định của Luật Quản lý ngoại thương, cũng như quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT, áp dụng mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99%, mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%, đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam, trong thời hạn 5 năm.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đánh giá, Quyết định 1578/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, đã chính thức mở ra một thời kỳ mới cho ngành mía đường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đường và người nông dân trồng mía của Việt Nam có điều kiện hồi phục phát triển, cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch, công bằng với với các đối tác mía đường trong khu vực ASEAN. Sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT, giá đường sản xuất trong nước đã có chiều hướng nhích lên và tiêu thụ được. Cụ thể, giá đường sản xuất trong nước trong tháng 6/2021 tùy phẩm cấp (chất lượng và cỡ hạt, đã có VAT) và tùy theo vùng, miền, đã tăng lên và dao động ở mức từ 16.300 đồng/kg đến 17.400 đồng/kg đối với đường kính trắng; từ 17.200 đồng/kg đến 18.300 đồng/kg đối với đường tinh luyện. Trong khi giá đường từ nguồn nhập khẩu bán dao động từ 16.100 đồng/kg đến 17.200 đồng/kg.

Nhập khẩu đường 5 tháng đầu năm tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ
Ảnh minh họa

Với mặt bằng giá nêu trên, có thể thấy, giá đường sản xuất ở trong nước và giá đường nhập khẩu tiêu thụ trên thị trường nội địa, đã tiếp cận gần ngang nhau, nhưng giá đường nhập khẩu bán vẫn thấp hơn giá đường sản xuất trong nước. Ngoài ra, VSSA cho biết, mức giá đường tiêu thụ trên thị trường nội địa của Việt Nam như ở trên, cũng đã tiếp cận gần ngang với giá đường trên thị trường nội địa của các nước trong khu vực (bao gồm ASEAN và Trung Quốc), nhưng giá đường Việt Nam vẫn thấp hơn.

Một nguyên nhân quan trọng, khiến giá đường nhập khẩu bán vẫn thấp hơn giá đường sản xuất trong nước, trong khi đường nhập khẩu từ Thái Lan đã phải chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời (khi chưa có Quyết định 1578/QĐ-BCT), thì nhập khẩu đường từ các nước ASEAN khác ngoài Thái Lan vào Việt Nam, trong nửa đầu năm 2021 có những dấu hiệu rất bất thường.

Thực trạng nêu trên, đòi hỏi ngành mía đường cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ quan nhà nước liên quan, cần tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường, có biện pháp thích hợp kiểm soát, ngăn chặn hiện tượng “lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp” đối với đường của Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức gian lận xuất xứ (nếu có) để bảo vệ sản xuất trong nước.

Ngọc Quỳnh/ Theo BCT