Lý do gì khiến CEO Google bị kêu gọi từ chức?

10:07 04/03/2024

Nhà phân tích Ben Thompson đăng bài nói Google cần chuyển đổi và "loại bỏ những người khiến tình hình trở nên hỗn loạn, trong đó có CEO Pichai".

Sundar Pichai
CEO Google - Sundar Pichai.

Google đang hụt hơi trong cuộc đua AI và đối mặt hàng loạt vấn đề với công chúng, khiến nhiều người kêu gọi thay thế CEO Sundar Pichai.

Tính năng tạo ảnh của Google ra mắt đầu tháng 2 thông qua Gemini, đổi tên từ Bard. Tuy nhiên, nhiều người dùng phản ánh công cụ cho kết quả không chính xác, như Tổng thống đầu tiên của Mỹ là George Washington bị Gemini coi là người da màu. Lỗi này nhanh chóng trở thành vấn đề lớn trên mạng xã hội, khiến cổ phiếu của Google lao dốc, trong khi CEO Sundar Pichai thừa nhận lỗi là "không thể chấp nhận được".

Đó chỉ là một trong những dấu hiệu khiến giới phân tích nhận định Google đang mất phương hướng trong cuộc đua AI. Tuần trước, nhà phân tích Ben Thompson đăng bài nói Google cần chuyển đổi và "loại bỏ những người khiến tình hình trở nên hỗn loạn, trong đó có CEO Pichai". Bài viết nhanh chóng lan truyền giữa các nhân viên ở Google và các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon.

Trong một ghi chú nghiên cứu được công bố trong tuần này, nhà phân tích internet của Bernstein, Mark Shmulik cũng đang suy ngẫm về việc liệu đã đến lúc phải thay đổi vị trí người đứng đầu của gã khổng lồ internet hay chưa.

Ông viết: "Câu chuyện gần đây nhất chỉ làm dấy lên những câu hỏi ngày càng lớn hơn xung quanh việc liệu đây có phải là đội ngũ quản lý phù hợp để dẫn dắt Google bước vào kỷ nguyên tiếp theo hay không".

Kết hợp với sai sót trước đó của Bard, Google giống như một công ty đang quá vội vàng. Và đây chính là vấn đề: Google không giỏi trong việc vội vàng và họ cũng không muốn làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh tìm kiếm của mình.

Được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Google vào năm 2015 và Alphabet vào năm 2019, Sundar Pichai đã chứng tỏ mình là một CEO mạnh mẽ trong “thời bình” của công ty.

Ông làm việc hiệu quả và kiên định, bảo vệ tốt mảng kinh doanh tìm kiếm của Google và giỏi dung hòa quan hệ với các cơ quan quản lý. Dưới trướng ông, cổ đông nhận rất nhiều lợi ích. Vốn hóa thị trường của Google hiện ở mức khoảng 1.700 tỷ USD, tăng từ mức hơn 400 tỷ USD vào năm 2015 khi Pichai tiếp quản.

Nhưng khi AI Gemini gặp khủng hoảng - vẽ những hình ảnh không chính xác về mặt lịch sử - trụ sở chính của Google đã đình trệ. Điều này cho thấy tập đoàn đang gặp rắc rối lớn chỉ vì gấp rút đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất có thể.

Marissa Mayer, người từng làm việc 13 năm tại Google, cho rằng, công ty cần tập trung vào đổi mới sáng tạo và "áp dụng tư duy của kẻ thách thức".

Shmulik nhận định, Google Search chưa thể bị thay thế hay chịu sự đe dọa từ AI tạo sinh cho đến khi người dùng chuyển sang nền tảng khác để tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, điều này có thể không còn là tương lai quá xa. Gartner dự đoán các hệ thống tìm kiếm truyền thống có thể đối mặt với mức sụt giảm 25% trước năm 2026 do sự xuất hiện của những nền tảng dùng AI.

Google hiểu rõ những gì phải đối mặt và đang phát triển hệ thống tìm kiếm dùng AI. Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Sundar Pichai có đủ khả năng lèo lái Google qua một trong những cơn bão lớn nhất mà hãng từng đối mặt hay không, cũng như ai sẽ là người đủ khả năng thay thế nếu ông rời vị trí lãnh đạo.

Thu Hà (t/h)