Làn sóng giao hàng thực phẩm nhanh ở Châu Âu

10:40 21/05/2021

Trên một con đường ở phía nam London, nhân viên của các công ty giao hàng thông qua ứng dụng đang chạy đua với thời gian để đưa thực phẩm tươi đến tay người mua trong vòng 15 phút.

Weezy, siêu thị giao hàng 15 phút tại Anh được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm hàng tỷ đô la từ Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản đặt cược nhu cầu về sự tiện lợi sẽ thúc đẩy chuyển đổi tiếp theo trong bán lẻ thực phẩm, phá vỡ sự kìm kẹp của các siêu thị lớn truyền thống, cung cấp 95% hàng tạp hóa của cả nước.

Ông chủ của một trong những siêu thị lớn nhất Châu Âu chia sẻ với Reuters rằng các dịch vụ mới có thể đẩy các chuỗi cửa hàng vốn thống trị thị trường như Tesco, Sainsbury’s, Aldi hay Lidl vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Hiện Weezy cho phép người mua hàng lựa chọn hàng hóa và giao tận cửa nhà chỉ với 2,95 bảng Anh (4,18 đô la). 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Cơ hội

Sự kết hợp giữa tiền mặt, công nghệ và gia tăng giao hàng trực tuyến trong đại dịch đã làm thay đổi ngành hàng tạp hóa, tạo ra sân chơi mới cũng như người chơi mới. Xu hướng này bắt nguồn từ các thành phố châu Âu, nơi gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon vẫn để ngỏ thị trường tạp hóa. Những công ty như Weezy, Getir, Dija và Gorillas lưu trữ hàng hóa từ các nhà cung cấp lớn, các nhà sản xuất địa phương cung cấp cho khách hàng sản phẩm với mức giá tương tự hoặc rẻ hơn trong siêu thị theo từng khu vực. Đồng sáng lập Weezy, Alec Dent, cho biết các đơn đặt hàng đã tăng vọt kể từ khi Anh bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với dịch Covid. Anh chia sẻ: "Tiềm năng của ngành công nghiệp này rất lớn. Đó là một thị trường trị giá 200 tỷ bảng Anh và nhanh chóng phát triển đa dạng bao gồm cả trực tuyến cũng như ngày càng trở nên tiện lợi trong bối cảnh đại dịch”.  

Bên cạnh Weezy, một loạt mô hình tương tự ra đời. Sau khi huy động được 300 triệu đô la vào tháng 3 và định giá 2,6 tỷ, Getir đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đã tung ra dịch vụ ở thị trường London với những chiếc xe tay ga màu tím và vàng trên khắp các con phố treo đầy biển quảng cáo. Gorillas có trụ sở tại Berlin, Đức được định giá hơn 1 tỷ đô la Mỹ sau khi huy động được 290 triệu đô từ Tencent. Giám đốc điều hành Kagan Sumer trả lời Reuters: “Tôi thực sự tin rằng mô hình kinh doanh này sẽ trở thành đáp ứng xã hội bình thường mới”. Gopuff, Mỹ với trị giá gần 9 tỷ đô la đã mua lại Fancy nhằm mở rộng quy mô kinh doanh ở Anh và Châu Âu. Những tên tuổi đình đám khác như Deliveroo và Uber Eats cũng sẽ không bỏ qua thị trường hàng tạp hóa màu mỡ.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Thách thức 

Con đường nào cũng có chông gai, đặc biệt là trong ngành hàng tạp hóa phức tạp tại thị trường rộng lớn như Châu Âu. Lấy ví dụ, DHER.DE trị giá 26 tỷ euro có trụ sở tại Đức. Dù có mặt tại hơn 50 quốc gia, tập đoàn này có mục tiêu tỷ suất lợi nhuận cốt lõi dài hạn từ 5 đến 8%. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến hoạt động kinh doanh của công ty không mấy khả quan với biên độ âm 33% năm 2020.

Giám đốc điều hành Niklas Ostberg cho biết tất cả các dịch vụ mới nổi đang cố gắng tìm ra những cách thức mới để giành lấy mảng kinh doanh bán lẻ thực phẩm. Ngoài ra, thách thức còn cản trở những siêu thị lâu đời khi chưa kịp thích nghi với hoàn cảnh cũng như sự trỗi dậy của những thực thể mới.  Giờ đây, các siêu thị truyền thống có nguy cơ thua siêu thị giao hàng cực nhanh hoặc phải đối mặt với chi phí khổng lồ để tái cấu hình tất cả các hoạt động. Tesco, siêu thị lớn nhất của Anh, đang thử nghiệm giao hàng trong một giờ với phí giao hàng 5 bảng, xây dựng một số trung tâm phân phối chỉ dành cho các đơn đặt hàng trực tuyến nhưng không điều gì có thể đảm bảo họ sẽ thành công khi các tiện ích vẫn còn thua kém so với Weezy.

TL