Làm sao để hưởng trợ cấp thất nghiệp khi mất hợp đồng lao động?

18:50 17/03/2023

Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp bị mất hợp đồng lao động, chế độ trợ cấp thất nghiệp với người lao động được thực hiện như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải bảo đảm các điều kiện cụ thể sau: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013: "Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng".

Ảnh minh họa

Người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và chưa có việc làm ngay sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cần phải có những giấy tờ, tài liệu sau theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định;

Ảnh minh họa

 Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ chứng minh về việc người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Người lao động có thể sử dụng một số giấy tờ sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc (hoặc quyết định sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc); Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Sổ bảo hiểm bao gồm cả tờ bìa và tờ rời thể hiện đầy đủ quá trình đóng bảo hiểm của người lao động.

Ảnh minh họa

Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.

Đối với người sử dụng lao động là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì trong thời hạn 30 ngày, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.

Ảnh minh họa

Quy định này để bảo đảm cho người lao động được làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng thời hạn được quy định, giúp bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Như vậy, trường hợp người lao động làm mất hợp đồng lao động thì vẫn có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định nghỉ việc khác do người sử dụng lao động cấp để chứng minh việc đã chấm dứt hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động không phải là giấy tờ bắt buộc để hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn phải bảo đảm giấy tờ được quy định trên.

Như Anh