Kỳ vọng gì ở phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2024?

07:05 16/01/2024

Với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời, vị trí địa lý thuận lợi và sự phát triển kinh tế ổn định, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và khách du lịch tìm đến nhiều hơn sau dịch bệnh Covid -19.

Ảnh minh họa
 Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có nhiều cơ hội phát triển (Ảnh: Minh họa).

Điều kiện thuận lợi để phân khúc du lịch nghỉ dưỡng phát triển

Hiện nay, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang có sự phát triển đáng kể. Các khu vực du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, và Hội An đã trở thành điểm đến hàng đầu cho du lịch nghỉ dưỡng. Sự khai thác và phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư và tăng cường nguồn thu từ du lịch.

Theo đó, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, với hàng dải biển dài, vùng núi hùng vĩ và các di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các khu nghỉ dưỡng với cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp và hoạt động du lịch đa dạng.

Theo các chuyên gia, ngành du lịch tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Số lượng khách du lịch quốc tế và trong nước đều tăng đáng kể, tạo ra nhu cầu lớn về dịch vụ nghỉ dưỡng và kỳ nghỉ cao cấp. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường nhu cầu về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Trong đó, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Các ưu đãi thuế, quy định về quy hoạch và phát triển hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong ngành.

Bên cạnh đó, sự phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cần được thực hiện một cách bền vững và cân nhắc để đảm bảo bảo vệ môi trường. Phát triển không bền vững có thể gây ra tác vấn đề như ô nhiễm môi trường, thiếu tài nguyên và ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương.

Ngoài ra, sự cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ngày càng gia tăng. Để thành công, các dự án cần phải cung cấp những trải nghiệm du lịch độc đáo và chất lượng cao để thu hút khách hàng. Quản lý chất lượng dịch vụ cũng là một thách thức quan trọng để duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, để phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, cần có sự đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực. Điều này đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý, vận hành và phục vụ khách hàng trong ngành du lịch nghỉ dưỡng.

Ảnh minh họa

Như vậy, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang có tiềm năng lớn để phát triển và đóng góp vào ngành du lịch. Với vị trí địa lý độc đáo, tăng trưởng du lịch và chính sách hỗ trợ của chính phủ, ngành này hứa hẹn mang lại cơ hội đầu tư và tạo ra nguồn thu hấp dẫn. Tuy nhiên, để thành công cần đối mặt và vượt qua thách thức như quản lý môi trường, cạnh tranh và quản lý chất lượng cùng với việc đầu tư và đào tạo nhân lực. Chỉ khi các vấn đề này được giải quyết một cách bền vững, phân khúc bất động sản du lịch nghĩ dưỡng có thể phát triển và đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của ngành du lịch cả nước.

Lực đẩy của thị trường

Đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars) nhận định, với đà phục hồi chung của thị trường, cùng sự hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch (chính sách  nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng + chính sách giảm thuế 2% với nhóm hàng hóa, dịch vụ + nhiều chương trình xúc tiến, hỗ trợ, triển lãm  du lịch được tổ chức) .

Sau 1 thời gian được ban hành, NĐ 10/2023/NĐ-CP sẽ dần có cơ hội phát  huy tác dụng, khi xu hướng cụ thể hóa các cơ chế, chính sách tiếp tục  được đề cao.

Vị đại diện này cho biêt, căn  cứ  dự  báo, phân khúc này có cơ hội được cải thiện nhờ tiến trình phục hồi chung của thị trường bất động sản  cũng như các tín hiệu tích cực từ các yếu tố vĩ mô, nhưng không nhiều, tăng  khoảng 20% so với năm 2023. Tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường bất động sản sẽ  là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, “bơm” nguồn cung vào thị trường.

Đáng chú ý, phân khúc căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm  2024 do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.

Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực VARS.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực VARS, năm 2024 vẫn có khả năng gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Với bất động sản nghỉ dưỡng, động lực đầu tư công và quy hoạch của gần 40 tỉnh, thành đã được Chính phủ phê duyệt, dự báo tiếp tục được phê duyệt ở 63 tỉnh, thành trong năm 2024 sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án vướng mắc ở nội dung này.

"Tuy nhiên, vẫn cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ các ngành nghề, lĩnh vực liên quan như du lịch, dịch vụ để đảm bảo thị trường bất động sản có nền tảng vững chắc, phát triển sâu về "chất". Đây là mấu chốt quan trọng giúp lấy lại niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng", ông Thanh nói.

Theo dữ liệu nghiên cứu của Vars, nguồn cung sẽ chủ yếu đến từ phân khúc căn hộ du lịch ở các dự án quy mô  lớn, dự kiến chiếm ít nhất 60% thị phần. Cùng với chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc và Chính sách thu hút khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách Trung Quốc, cũng như các kết quả ngoại giao xuất sắc khác ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ là tín hiệu tốt đẩy lực cầu lên cao hơn. Đặc biệt, cầu đầu tư sẽ phục hồi nhưng với tốc độ chậm. Hoạt động kinh doanh  khách sạn vẫn còn gặp nhiều thách thức, có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi lực cầu ở một số địa phương.

“Hiện, giá bán trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều có xu hướng cải thiện nhẹ. Tại thị trường thứ cấp, giá bán sản phẩm căn hộ du lịch có mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí tăng nhẹ tại một số thị trường có tỷ lệ lấp đầy phòng cao. Tuy nhiên, cùng với giá bán, phương án về quản lý vận hành sẽ là điểm mấu chốt, đặc biệt được khách hàng/nhà đầu tư quan tâm khi xuống tiền”, Vars cho biết thêm.

Giao dịch có xu hướng tăng nhưng là trong dài hạn. Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách rất xa so với trước dịch Covid-19. Dự kiến lượng giao dịch sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2023. Sẽ đạt kết quả ấn tượng nếu như nhận được cú huých đủ mạnh  từ ngành du lịch.

Nhân Hà