Bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng mất đi “phong độ” cũ

14:54 02/12/2020

Thị trường bất động sản (BĐS) du lịch – nghỉ dưỡng Quý III tăng nhẹ so với Quý trước tuy nhiên lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019…

Giao dịch BĐS du lịch, nghỉ dưỡng giảm mạnh

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong 3 quý đầu năm 2020, đã tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, trong Quý III/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm mạnh (giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019) do chưa mở cửa du lịch quốc tế, đường bay thương mại quốc tế cũng hạn chế chỉ mở với một số khu vực đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngành du lịch đã có dấu hiệu phục hồi vào cuối Quý II và đầu Quý III khi Chính phủ thực hiện kích cầu du lịch trong nước, lượng khách du lịch nội địa trong tháng 6, 7 tăng cao trở lại.Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 lần 2 đã tiếp tục tạo thêm cú sốc bất lợi mới cho phân khúc khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng. Công suất thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường trong Quý III tăng nhẹ so với quý trước, tuy nhiên lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do lượng khách du lịch, đặc biệt là lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh. Giá cho thuê phòng bình quân toàn thị trường vẫn có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo thị trường 9 tháng đầu năm của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra ngoài nguồn cung sụt giảm, thị trường bất động sản du lịch, cụ thể là loại hình condotel đang có dấu hiệu đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể. Khoảng 2/3 dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch.

Những khu vực dẫn đầu về thị trường condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.

Đơn vị này giải thích nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ của condotel là khung pháp lý vẫn chưa thực sự rõ ràng cộng với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 từ đầu năm tới nay.

"Khách hàng vẫn còn những tâm lý e ngại, mất niềm tin c bởi sự phá vỡ cam kết ở một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng", báo cáo của Hội Môi giới phân tích.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, mới đây Bộ Xây dựng đã đưa ra hàng loạt giải pháp. Trong đó, có việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục có sức hấp dẫn trong tương lai.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia nhấn mạnh, ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ vượt qua khủng hoảng bằng khách nội địa nên các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp để xây dựng các dự án tại những thành phố hạng 2, 3 có phong cảnh thiên nhiên đẹp, đặc biệt là khu vực ven biển.

Qúy III/2020 bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng mất đi “phong độ” cũ
Qúy III/2020, bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng mất đi “phong độ” cũ. (Ảnh minh họa)

“Kém” phát sinh dự án mới

Ở một góc độ khác, số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép cũng giảm mạnh. Thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng, trong quý III/2020, cả nước có 49 dự án du lịch nghỉ dưỡng mới, trong đó tại miền Nam không ghi nhận thêm dự án cấp phép mới hay hoàn thành.

Cụ thể, cả miền Bắc có 5 dự án với 332 căn hộ du lịch, 21 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép. 3 dự án với 160 căn hộ du lịch, 24 biệt thự du lịch đang được triển khai xây dựng. So với quý trước, số lượng dự án được cấp phép mới đã giảm 1 dự án, số lượng dự án đang triển khai giảm 6 dự án và số lượng dự án đang hoàn thành giảm 1 dự án.

Tại miền Trung, số lượng dự án nghỉ dưỡng được cấp phép trong quý III là 44 dự án (tập trung chủ yếu ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Khánh Hòa), tăng 37 dự án so với quý trước. Số lượng dự án đang triển khai tăng 9 dự án, số lượng dự án hoàn thành tăng 12 dự án (gấp 2 lần). Trong khi đó, tại miền Nam quý vừa rồi không ghi nhận thêm dự án du lịch nghỉ dưỡng nào được cấp phép hay hoàn thành.

Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hiện tại, cả nước có 94 dự án với 18.812 căn hộ du lịch và hơn 6.000 biệt thự du lịch đang được triển khai xây dựng, trong đó có 23 dự án đã hoàn thành. Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép mới giảm 46,7% so với quý trước.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Novaland phát biểu tại một hội thảo diễn ra mới đây cho hay, các nhà phát triển bất động sản tại thị trường Việt Nam rất sáng tạo khi không ngừng kiến tạo ra nhiều loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng đa dạng hơn trước đây. Nếu các mô hình mới này đạt tiêu chuẩn cao và được thị trường chấp nhận có thể hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi của ngành bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.

Ông Phiên dự báo, trong bối cảnh đại dịch vẫn còn khó đoán trên toàn cầu, những dự án nghỉ dưỡng có kết nối hạ tầng tốt, thời gian di chuyển nhanh tại thị trường nội địa sẽ có nhiều cơ hội phục hồi sớm hơn.

Trước đó, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, nhìn chung 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch (condotel) mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, thị trường condotel gần như đóng băng, có đến 2/3 các dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch.

Nguyên nhân được VARs lý giải đó là do khung pháp lí cho loại hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bên cạnh đó tác động của dịch bệnh đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khách hàng và nhà đầu tư vẫn còn tâm lí e ngại, mất niềm tin vào loại hình này bởi sự phá vỡ cam kết lợi nhuận ở một số dự án.

Không những vậy, các cơ quan Bộ ngành đã có nhiều tranh luận liên quan đến việc phát triển thêm và hành lang pháp lý cho condotel. Trong đó, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương “không phát triển thêm dự án condotel, không hợp thức các loại hình này thành nhà ở” và thể hiện sự lo ngại về tính pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Nguyễn Nam (T/H)