Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông nghiệp tăng 5,3%

21:27 01/08/2023

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông nghiệp tháng 7 ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%...

Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhiều nhóm có mức giảm mạnh như nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%.

Tuy nhiên, nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2% (nhờ giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt 3,23 tỷ USD, tăng 68,1%; gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%; sản phẩm chăn nuôi 276 triệu USD, tăng 27,4%. Riêng giá gạo đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2%; cà phê 2.540 USD/tấn, tăng 12,8%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 6,52 tỷ USD, giảm 29,2%; châu Âu đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14,1%; châu Đại Dương đạt 408 triệu USD, giảm 25,6%. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy, sản lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 20,4%, giảm 29,3% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9%.

Về thị trường trong nước, trong tháng 7, giá lúa Hè Thu các địa phương vùng ĐBSCL diễn biến tăng do giao dịch sôi động với nhu cầu và sức mua đang tốt. Giá cà phê trong nước tăng do thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn và báo cáo tồn kho cà phê vẫn ở mức thấp. Giá tôm sú cỡ lớn 20 con/kg là 187.000 đồng, cỡ 30 con/kg là 150.000 đồng. Giá lợn hơi tại miền Bắc tăng, tại miền Trung và miền Nam giá ổn định. Giá trái cây tại một số tỉnh phía nam có xu hướng giảm khá mạnh do nguồn cung dồi dào đúng vụ thu hoạch như thanh long, chôm chôm, mít, chanh không hạt.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...

Cùng với đó, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ cũng sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Ngọc Phi (TH)